Thiệt hại ngay trước mắt

Một trong những khó khăn, theo các doanh nghiệp du lịch là việc cơ quan chức năng chậm đưa ra thông báo chính thức về thời gian đóng cửa sân bay Phú Bài, khiến cho doanh nghiệp bị động, gây xáo trộn kế hoạch tổ chức, sắp xếp tour du lịch của các hãng lữ hành tại Huế. Công ty Lữ hành quốc tế Hương Giang phản ánh, tại thời điểm sân bay đóng cửa, đơn vị này có 200 khách không thể xuống Phú Bài nên phải trung chuyển từ Đà Nẵng ra Huế với chi phí phát sinh hàng chục triệu đồng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.Với chi phí trung chuyển khoảng 200.000 đồng khách, tổng chi phí phát sinh cho công ty này khi sân bay Phú Bài đóng cửa mỗi tháng có thể lên đến hàng tỷ đồng. Một khó khăn khác là với thực trạng tuyến đường dài trăm km từ Đà Nẵng đến Huế phải qua 3 ngọn đèo và có nhiều đoạn hư hỏng đang sữa chữa như hiện nay, sẽ không ít nhiêu khê vì tình trạng kẹt xe, tắc đường.
 
Thời điểm sân bay Phú Bài đóng cửa rơi đúng thời điểm Huế có nhiều hoạt động lớn, đặc biệt là Festival nghề truyền thống Huế (diễn ra vào tháng 4/2013) nên sẽ khó khăn trong thu hút du khách. Với tình hình này, các doanh nghiệp nhận định, việc sân bay Phú Bài tạm đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của toàn bộ ngành du lịch Huế như giảm lượng khách, đặc biệt đối với lượng khách lẻ, dẫn đến giảm nguồn thu, gây khó khăn trong đảm bảo đời sống cho người lao động và nhiều hệ lụy khác như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển du lịch và các lĩnh vực khác của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là loại hình du lịch MICE.
 
Khó cạnh tranh 
 
Để tháo gỡ khó khăn, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho biết, cuối tháng 10/2012, đã tổ chức buổi làm việc với Hiệp hội Khách sạn, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong tỉnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng.  
 
Theo đó, Sở đã gửi bản kiến nghị lên UBND tỉnh, đề xuất nhiều giải pháp như cam kết thực hiện đúng tiến độ thời gian hoàn thành sửa chữa sân bay. Kiến nghị thành lập đội xe đảm bảo chất lượng trung chuyển khách từ Sân bay Đà Nẵng đến Huế; tăng cường duy tu bảo dưỡng đường bộ bảo đảm chất lượng phục vụ vận tải; tăng năng lực vận chuyển hành khách bằng đường tàu lửa đến Huế; tạo điều kiện đặt phòng thông tin du lịch của Thừa Thiên Huế tại Sân bay Đà Nẵng. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, có chính sách khoanh thuế, giản nợ thuế, giảm thuế tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
 
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành bàn giải pháp tháo gỡ. Theo ông Thành, trước mắt, cần tập trung đốc thúc đảm bảo hoặc rút ngắn thời gian sửa chữa sân bay Phú Bài; tổ chức một trung tâm đầu mối để điều hành giải tỏa, đưa đón khách đến Huế qua Sân bay Đà Nẵng; cung cấp thông tin đi lại, đặc biệt là đối tượng khách lẻ không đi theo tour. Về lâu dài, cần tăng cường hoạt động đường thủy và đường bộ, kêu gọi đầu tư các phương tiện trung chuyển bằng đường thủy và đường sắt như tàu cánh ngầm; nâng cấp các toa tàu, chuyến tàu hỏa du lịch đúng giờ, vệ sinh thật tốt để chủ động phục vụ, đưa đón du khách. Các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm kiếm cơ hội và tìm cách khai thác hoạt động du lịch theo nhiều hướng khác nhau.
 

Du khách đến Huế qua sân bay Phú Bài. Ảnh: Thu Thủy

 
 
Tuy nhiên, điều Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp lo nhất là với điều kiện giao thông khó khăn như hiện nay, nếu du lịch Huế không tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến thì sẽ rất khó cạnh tranh, thu hút du khách. “Trong điều kiện khó tiếp cận khách, nếu không chủ động có giải pháp kịp thời, nếu không có gì mới hơn, tốt hơn, độc đáo hơn thì nguy cơ tụt hậu của du lịch Huế là thấy rõ” - ông Thành lo lắng.

 

Kim Oanh-Đồng Văn