Năng lượng địa nhiệt được chuyển đổi thành điện năng và được sử dụng làm nóng nhà kính Gourmet Mokai ở New Zealand để trồng cà chua và ớt. Ảnh: Evan Schneider.

Ông Erik Solheim, người đứng đầu Chương trình Môi trường của LHQ(UNEP), trích dẫn các nghiên cứu mới từ Ủy ban Tài nguyên Quốc tế, gọi đó là "một môi trường có lợi cho cả đôi bên".

Dự kiến ​​đến năm 2050, dân số thế giới tăng 28%, và ​​sẽ sử dụng 71% tài nguyên trên đầu người. Nếu không có các bước khẩn cấp để tăng hiệu suất, việc sử dụng kim loại, sinh khối, khoáng chất và các vật liệu khác trên toàn cầu sẽ tăng từ 85 lên 186 tỷ tấn/năm vào năm 2050.

Báo cáo "Hiệu quả Tài nguyên: Các tiềm năng và tác động kinh tế", được đưa ra vào năm 2015 cho thấy, mặc dù đầu tư vào các hoạt động về khí hậu đầy tham vọng sẽ làm giảm 3,7% tổng sản phẩm thế giới tính trên đầu người vào năm 2050, nhưng việc sử dụng vật liệu và năng lượng bền vững hơn sẽ không chỉ bù đặp được chi phí để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C mà còn làm tăng thêm 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.

Ông Solheim nhấn mạnh: "Bằng cách tận dụng tốt hơn các quà tặng tự nhiên của trái đất, chúng ta sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế để tạo ra công ăn việc làm và cải thiện sinh kế. Cùng lúc đó, chúng ta sẽ tạo ra những khoản tiền cần thiết để tài trợ cho các hoạt động khí hậu đầy tham vọng".

Một ví dụ điển hình có thể kể đến như, từ năm 2005 đến năm 2010, một chương trình tại Vương quốc Anh đã tái chế và tái sử dụng tới 7 triệu tấn rác chôn lấp. Động thái này đã kiếm chế được 6 triệu tấn khí thải carbon dioxide, tiết kiệm gần 10 triệu tấn nguyên liệu nguyên chất và 10 triệu tấn nước. Nó cũng làm tăng doanh số bán hàng 176 triệu bảng, giảm chi phí kinh doanh 156 triệu bảng và tạo ra 8.700 việc làm.

Ngoài các lợi ích kinh tế, phân tích cho thấy sử dụng tài nguyên hiệu quả và có hành động về khí hậu sẽ làm giảm việc sử dụng tài nguyên toàn cầu khoảng 28% vào năm 2050 so với xu hướng hiện nay.

Đối với các quốc gia G7, hiệu suất sử dụng tài nguyên, cùng với các hành động đầy tham vọng về khí hậu, sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội lên 600 tỷ USD vào năm 2050 (600 USD/người, tương đương 1%).

Tố Quyên (Lược dịch từ UN)