Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
Thưa ông, tình trạng BLGĐ tại Thừa Thiên Huế đang được kiểm soát tốt?
Số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh đang duy trì ở mức thấp, dao động trong khoảng dưới 400 vụ/năm (năm 2014: 346 vụ, năm 2015: 338 vụ, năm 2016: 379 vụ), tập trung chủ yếu vùng nông thôn; đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ ở độ tuổi 16 đến 59 tuổi. Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015 cho thấy chỉ có 0,13% số hộ trên địa bàn tỉnh xảy ra BLGĐ. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
Thời gian qua, Sở VH&TT đề ra giải pháp nào để đẩy lùi BLGĐ? Quá trình triển khai gặp những khó khăn gì?
Giải pháp đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chỉ đạo của chính quyền đối với công tác gia đình (GĐ). Chú trọng truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò trách nhiệm của GĐ và xây dựng GĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác GĐ ở các cấp. Nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách về GĐ hiện có.
Tiếp theo là tăng cường sự tham gia thực hiện công tác GĐ và PCBLGĐ của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, GĐ, cộng đồng và mọi người dân. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá tổng thể nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về GĐ và PCBLGĐ tại địa phương. Thực hiện các chính sách, chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống GĐ.
Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng linh hoạt vận dụng Luật PCBLGĐ. Năm 2016, đã xử lý vi phạm hành chính 2 vụ, giảm mạnh so với năm 2015 (18 vụ). Luật PCBLGĐ cũng quy định các hình thức răn đe khác như góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp giáo dục, cấm tiếp xúc và nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ khác cho cả nạn nhân và người gây bạo lực…
Tư tưởng trọng nam, khinh nữ, gia trưởng cùng các yếu tố khác, như: kinh tế, mâu thuẫn GĐ, ngoại tình… được xem là nguyên nhân trực tiếp của BLGĐ. Đây cũng là những khó khăn trong công tác PCBLGĐ nên chúng tôi vẫn xem công tác truyền thông, vận động PCBLGĐ là chiến lược lâu dài và hiệu quả.
Kinh nghiệm của ngành văn hóa trong công tác đẩy lùi BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc là gì- thưa ông?
Mô hình PCBLGĐ là hoạt động trợ giúp có hiệu quả nhất trong công tác PCBLGĐ ở cơ sở. Năm 2008, Sở VH&TT triển khai mô hình thí điểm đầu tiên ở xã Hồng Vân (huyện A Lưới), gồm những hoạt động chính: sinh hoạt CLB GĐ phát triển bền vững, đường dây nóng, nhóm PCBLGĐ. Từ hiệu quả tích cực của mô hình này, sở chỉ đạo triển khai ra toàn tỉnh và hiện đang được tiếp tục được nhân rộng, mỗi xã, phường, thị trấn hỗ trợ hoạt động cho 1 mô hình/năm. Vấn đề được quan tâm nhất là chất lượng và hiệu quả của các mô hình, câu lạc bộ. Hằng năm, Sở VH&TT có các chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để hướng dẫn, tập huấn cho cơ sở về các văn bản mới, chương trình hỗ trợ, kỹ năng cần thiết trong hoạt động của mô hình để tiến tới hạn chế thấp nhất tình trạng BLGĐ.
Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh có 113 mô hình PCBLGĐ, 288 câu lạc bộ GĐ phát triển bền vững hoạt động hiệu quả, 113 đường dây nóng, 247 cơ sở tư vấn và 579 địa chỉ tin cậy cho nạn nhân BLGĐ tại cộng đồng.
Cũng phải nói thêm, đến nay, toàn tỉnh có 268.734 GĐ đăng ký xây dựng GĐVH, đạt 95,5%; trong đó, có 245.294 GĐ được UBND xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn GĐVH, đạt tỷ lệ 91,3% so với đăng ký. Toàn tỉnh hiện có 463 CLB GĐVH sinh hoạt thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng GĐ hạnh phúc ở các CLB này được thực hiện khá hiệu quả...
Sở VH&TT sẽ tiếp tục triển khai hoạt động gì để làm tốt hơn nữa công tác PCBLGĐ thời gian tới?
Mọi số liệu chỉ mang tính tương đối trong công tác thống kê về PCBLGĐ. Chúng ta có thể thống kê được các hình thức bạo lực về thân thể nhưng các loại bạo lực khác như tinh thần, về kinh tế, tình dục… rất khó để phát hiện. Con số 0,13% số hộ trên địa bàn tỉnh xảy ra BLGĐ cũng chỉ mang tính tương đối. Với các giải pháp đã nói, Sở VH&TT đã và đang đặt quyết tâm tham mưu cho tỉnh đẩy lùi và hạn chế nạn BLGĐ đến mức thấp nhất.
Xin cảm ơn ông.
Hữu Phúc (thực hiện)