Dạy chữ braille cho trẻ khiếm thị

Người tham gia giao thông ở Huế quen dần với hình ảnh những học sinh khiếm thị tay cầm cây gậy băng qua đường, qua ngã tư, vòng xoay… Các em có thể tự tin ra đường là nhờ được học môn “định hướng di chuyển” do cô Nguyễn Ngọc Dung,  giáo viên Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh dìu dắt. Môn “định hướng di chuyển” đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, sức khỏe, phản xạ phải tốt để bảo đảm an toàn cho các em trong quá trình giảng dạy. Có khi suốt cả năm trời dạy lui, dạy tới một vài thao tác mà các em cứ nhớ trước, quên sau. Cô Dung, người có thâm niên 17 năm dạy phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thị chia sẻ: “Các em hay bị đứt tay, điện giật, ngã cầu thang do cứ lần mò đường theo cảm tính. Có lúc tôi tự nhắm mắt lại đi ra đường để hiểu được tâm trạng sợ hãi của học trò, giúp tôi luôn bình tĩnh và không nóng vội khi dạy các em”.

Trẻ khiếm thị không chỉ bị các vấn đề về mắt mà còn có các tật về vận động, nhận thức, thính giác, thậm chí là cả chứng bệnh tự kỷ. Các em có những tính cách khác nhau, ngay cả trình độ tư duy, nhận biết cũng rất khác nhau. Ngay dạy cho các em cách cầm bút đôi khi cũng mất hàng giờ. Có khi giờ học môn toán thì các em lại thích môn văn, tự ý ra ngoài vì buồn ngủ, hoặc không làm theo hướng dẫn của giáo viên. Các cô phải giúp trẻ sử dụng tối đa các chức năng còn lại để kích thích việc học hành, giúp trẻ phát triển tư duy và khả năng sáng tạo như những trẻ bình thường khác.

Không dừng lại chỉ đọc thông và viết thạo, trẻ khiếm thị có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu trên mạng để phục vụ cho việc học, mở mang kiến thức. Dạy vi tính cho học sinh khiếm thị rất khó khi các phần đều đọc bằng tiếng Anh nên giáo viên vừa dạy ngoại ngữ, vừa dạy các thao tác trên bàn phím. Không có một giáo án nào cụ thể, máy móc lại chưa hiện đại nên cả thầy và trò đều tìm tòi, học hỏi kinh nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều em đạt giải cao về tin học dành cho người mù trong nước cũng như trong khu vực. Thành quả ấy nhờ có sự bền bỉ, kiên nhẫn của những giáo viên để các em tiếp cận với intenet.

Xa vòng tay yêu thương của cha mẹ từ rất sớm, nhưng các em không đơn độc khi có những bàn tay ấm áp của thầy, cô. Chăm sóc các em khi đau ốm, làm bạn khi các em bước vào tuổi dậy thì, yêu thương, chia sẻ khi các em gặp biến cố, khó khăn trong cuộc sống. Thế nên thầy, cô trong ánh mắt chúng em không đơn thuần là dạy chữ, mà là người bạn, người mẹ luôn yêu thương, chia sẻ khi các em cần. Cô Nguyễn Thị Tuyết Quỳnh bộc bạch: “Mỗi ngày đến lớp với các em là một niềm vui. Chúng tôi yêu tiếng lóc cóc cần mẫn của bọn trẻ khi viết bằng chữ Braille. Chúng tôi vui khi các em đọc thông, viết thạo. Hạnh phúc của những giáo viên dạy trẻ khiếm thị đôi khi rất đỗi bình thường, cùng chơi với các em trước sân nhà khi trời nắng ấm’’.

Giáo viên dạy trẻ khuyết tật phải có một ý chí, nghị lực và nhất là phải có tấm lòng yêu thương trẻ mới có thể bám trụ với nghề. Cô Mai Thị Tư, giáo viên ở Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh, cho biết: “Tôi cũng là người khiếm thị, vào trung tâm từ nhỏ nên hiểu tâm trạng và cảm xúc của các em. Tôi muốn học theo những người thầy của mình để yêu thương, chăm sóc và truyền đạt  kiến thức cho trẻ khiếm thị. Các em sẽ tự tin đi trên đôi chân của mình khi được trang bị tri thức, tấm lòng bao dung và nghị lực không đầu hàng số phận. Mỗi khi đón các em vào lớp, tôi như gặp lại hình ảnh của mình”.

Lương tiền thấp, công việc không lúc nào hết, song họ không có ý định rời xa các em. Trong suy nghĩ của những thầy, cô, đó vừa là tình thương, vừa là trách nhiệm và cũng chính là niềm hạnh phúc. Lấp lánh niềm vui khi họ kể về những nỗ lực của thầy và trò khi không đầu hàng số phận. Hạnh phúc giản dị của thầy, cô là được nhìn thấy học trò từ những đứa trẻ khiếm khuyết, mặc cảm đã tự tin và có ước mơ về tương lai của mình.

Huế Thu