Cũng như nhiều thanh niên nam nữ khác, anh và chị quen biết, thương yêu nhau rồi đăng ký kết hôn, tổ chức lễ cưới. Thế nhưng, chỉ sau khi sinh cô con gái đầu lòng, giữa vợ chồng đã hục hặc. Nghĩ vợ chồng trong cuộc sống gia đình có lúc không khỏi va chạm, nên họ tiếp tục sinh đứa con thứ hai. Tuy nhiên, đến lúc này mâu thuẫn lớn hơn, vợ chồng lại không có hướng giải quyết nên vợ “ôm bụng bầu”, dắt con nhỏ về nhà mẹ ruột ở.

Trước tòa người vợ khai, thời gian chị rời đi, chồng đã đưa người phụ nữ khác về nhà chung sống, hiện người phụ nữ đó đang mang thai (nhưng người chồng phủ nhận điều này). Do tình cảm không còn nên chị đứng nguyên đơn yêu cầu tòa án cho ly hôn. TAND huyện Phong Điền thụ lý, giải quyết. Vụ án “suôn sẻ” về phần quan hệ tài sản, quan hệ vợ chồng (tại phiên tòa, vợ chồng đồng ý thuận tình ly hôn). Thế nhưng, bị đơn (chồng) lại “giãy nảy” khi tòa xử giao hai con nhỏ cho nguyên đơn (vợ) trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Theo bị đơn, như vậy là anh “mất” quyền làm cha, kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm, TAND tỉnh giao đứa con lớn cho mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm ấy, vài người thân của bị đơn theo đến phòng xét xử. Nguyên đơn cũng có người dì ruột đi cùng để “hỗ trợ tinh thần”. Người chồng có vẻ tìm kiếm, nhưng người vợ không đem đứa con nào theo. Trả lời câu hỏi của tòa, có ý kiến như thế nào trước yêu cầu của bị đơn, nguyên đơn nhất quyết không đồng ý “chia” con. Chị trình bày, đứa con lớn 4 tuổi, con nhỏ mới 1 tuổi. Từ khi ra đời đến giờ, các cháu do chị chăm sóc nuôi dưỡng. Hai chị em nó cũng chưa ngày nào rời nhau. “Chia” hai đứa sống hai nơi là làm mất mát, tổn thương tình cảm của trẻ thơ. Nếu như vậy thì tội nghiệp cho hai đứa quá. Nguyên đơn còn “tố”, cha và bên nội các cháu không có tình thương đối với con, cháu mình. “Bằng chứng” là chồng chị chưa bao giờ đưa tiền cho chị để nuôi con. Nhà nội cũng chưa lúc nào mua cho các cháu gói bánh, hộp sữa...

Tòa hỏi tại sao, bị đơn trình bày mỗi lúc đến nhà mẹ vợ thăm con, vợ cứ mang con đi “trốn” ở đâu, bị đơn không gặp được. “Phải gặp được con mới đưa tiền chứ, đằng này cô ta cứ ngăn cản tôi”. Bị đơn lý giải. Nguyên đơn cãi, không phải chị ngăn cản mà do cha không có tình cảm với con nên con không muốn gặp. Bị đơn cho rằng không có chuyện con không muốn gặp cha, mà do người lớn tiêm nhiễm. Nguyên đơn: “Hai đứa từ nhỏ đến lớn sống chung với nhau, giờ chia rẽ là xáo trộn đời sống tình cảm của chúng nó”. Cứ thế, nguyên đơn và bị đơn “cãi cọ”.

Với lý lẽ của mình, vợ “giành” nuôi cả hai con, chồng “giành” quyền làm cha, yêu cầu tòa xử giao đứa con lớn cho mình. Bị đơn cho rằng, một mình nguyên đơn nuôi cả hai con sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của con. Mặt khác, với tình trạng nguyên đơn cố tình ngăn cản không cho bị đơn gặp con, anh càng phải giành quyền làm cha của mình. Thấy diễn biến có vẻ căng thẳng, người vợ hứa trước tòa từ nay sẽ tạo điều kiện để cha của bọn trẻ đến thăm.

Tòa phân tích: Các cháu là con gái, còn nhỏ, lâu nay ở với mẹ, chị em quấn quýt bên nhau, vẫn nên để hai cháu ở cạnh nhau. Nếu anh muốn nuôi con, một thời gian sau anh có thể yêu cầu. Chị đã hứa tại phiên tòa, sẽ tạo điều kiện để anh gặp gỡ thăm con. Vào những dịp cuối tuần, anh có thể đón hai cháu về nhà mình. Điều này luật đã quy định, không ai có quyền ngăn cản. Anh chị ly hôn, các cháu đã phải xa cha (hoặc mẹ). Nếu tòa chấp nhận yêu cầu của anh, hai cháu phải xa nhau”.

Bị đơn vẫn khăng khăng: “Cô ta hứa nhưng không có bằng chứng gì. Tôi muốn giành quyền làm cha để chăm sóc con”. Một thẩm phán thành viên hội đồng xét xử phúc thẩm nghiêm nghị: “Tòa đã giải thích về quy định của pháp luật, không ai có quyền ngăn cản cha mẹ thăm nom, chăm sóc con chung. Anh nên suy nghĩ...”. Hội đồng xét xử tuyên bố tạm nghỉ phiên tòa để nghị án. Nguyên đơn và bị đơn đều như “nín thở”. Bị đơn và người nhà ra hành lang đứng. Nguyên đơn cùng dì ngồi lặng lẽ trên ghế. Nhìn sắc mặt tái đi vì lo của cháu, người dì ngậm ngùi kể, hôm “ra” phiên tòa sơ thẩm, đứa cháu tội nghiệp của bà sợ “mất” con quá suýt xỉu. Bởi vậy lần này bà cũng phải đi theo, ngộ nhỡ có chuyện gì...”.

TAND tỉnh quyết định giao hai con nhỏ cho vợ trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Chồng có nghĩa vụ đóng góp phí tổn nuôi con và có quyền thăm nom, chăm sóc con chung, không ai được ngăn cản. Người cha lặng lẽ rời phòng xét xử. Người mẹ lúc này mới “thở phào”. Có điều gì thật xót xa cho cả người “thua” và người “thắng”. Cha mẹ ly hôn, con thơ đã phải gánh chịu rất nhiều mất mát, thiệt thòi. Không còn là vợ chồng, nhưng những đứa con mãi mãi là máu thịt chung của họ. Thương con, lẽ ra cha mẹ phải hỗ trợ nhau, tạo điều kiện cho nhau chăm sóc con tốt nhất chứ không phải đưa nhau ra tòa “giành con”.

Quỳnh Anh