Qua mô hình trồng hoa của anh Hào, việc nhân rộng mô hình trồng hoa cúc Đà Lạt trên địa bàn, nhằm tạo hướng làm ăn mới cho người dân được ngành nông nghiệp huyện Nam Đông quan tâm.
Anh Trần Minh Hào chăm sóc vườn hoa của mình |
Thành công bước đầu
Đến nhà anh Hào, trước mắt chúng tôi là vườn hoa cúc vàng rực rỡ khoe sắc thắm. Anh Hào và vợ cắt tỉa những cành hoa để mang đi bán trong buổi chợ chiều. Vườn hoa được phủ kín bằng lưới và lợp ni lông, theo cách gọi của các chuyên gia trồng hoa đó là mô hình “trồng hoa nhà kính”.
Học nhiều nghề, như điện lạnh, điện tử, làm nhà kính…; bôn ba nhiều nơi, kể cả sang nước bạn Lào, nhưng cuối cùng đến năm 1999 anh Trương Minh Hào chọn thành phố Đà Lạt để mưu sinh bằng nghề làm thuê nhà kính cho những hộ trồng hoa. Với đức tính cần cù và chu đáo, anh được nhiều người trồng hoa biết đến và thuê làm nhà kính. Cũng từ theo đuổi nghề này và thấy được hiệu quả kinh tế của mô hình trồng hoa, anh nảy sinh ý định đưa hoa Đà Lạt về quê trồng thử. Theo anh Hào, ở quê còn nhiều vùng đất trồng khoai, sắn giá trị kinh tế không cao, là lý do khiến anh quyết tâm tìm cách đưa hoa Đà Lạt về quê trồng.
Anh Hào nói: “Việc học hỏi nghề trồng hoa gặp rất nhiều khó khăn, bởi người dân Đà Lạt không truyền đạt những kỹ thuật và “bí quyết” sản xuất cho mình. Tôi phải tự tìm tòi học tập, nhiều khi phải lén lút để bắt chước kỹ thuật, kinh nghiệm trồng và chăm sóc của họ. Mỗi lần có dịp về quê, tôi đều mang một ít loài hoa về trồng thử. Nhưng do thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nên hoa không mang lại hiệu quả”. Đến năm 2006, sau khi tích luỹ được ít vốn, anh về quê xây nhà, đầu tư sản xuất cho vợ con sinh sống, còn anh tiếp tục vào Đà Lạt làm ăn và học tập kỹ thuật trồng hoa. Đến năm 2009, sau khi nắm bắt một số kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhân giống hoa cúc, anh quyết định về quê sinh sống và đưa hoa cúc Đà Lạt về trồng.
Anh Hào cho biết, sau khi về quê, tháng 4/2009 anh trồng thử 100 cây hoa cúc trên diện tích 15 mét vuông. Từ việc ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật trồng ở Đà Lạt, cây hoa cúc phát triển tốt và cho thu nhập khoảng 500 ngàn đồng. Anh mạnh dạn đầu tư 24 triệu đồng mua lưới, ni lông để xây dựng mô hình trồng hoa trong nhà kính trên diện tích 400 ha, với hệ thống đèn chiếu sáng, nước tưới khép kín. Với diện tích trên, anh trồng khoảng 21 ngàn cây hoa cúc. Chỉ sau hơn 3 tháng trồng vườn hoa cho thu hoạch. Anh Hào nhẩm tính: “Với giá hiện nay, bình quân mỗi cây khoảng một ngàn đồng. Với 21 ngàn cây, vườn hoa có thể cho thu nhập khoảng 21 triệu đồng/vụ”. Anh Hào cho biết, hoa cúc chủ yếu phục vụ trong các ngày lễ, Tết, thờ cúng. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hoa cúc trên địa bàn huyện Nam Đông tương đối mạnh, nên với số lượng hoa của anh không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhân rộng mô hình
Theo anh Trương Minh Hào, nhiều vùng đất trên địa bàn huyện Nam Đông có thể trồng được nhiều loài hoa ở Đà Lạt, như hoa cúc, cẩm chướng, hoa ly… Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề quan tâm. Trạm KNLN huyện Nam Đông, các ban ngành liên quan cần có biện pháp nghiên cứu sản xuất giống, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân Nam Đông. |
Anh Trương Minh Hào cho biết, đến nay, vườn hoa của anh được nhân rộng gần 1.000 mét vuông. Với diện tích trên, anh trồng khoảng 42 ngàn cây hoa cúc, thu nhập khoảng 42 triệu đồng/vụ, có điều kiện vươn lên khá, nuôi con ăn học. Ngoài hoa cúc, anh còn trồng thêm hoa ly ly, đồng tiền Đà Lạt. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm, trong quá trình sản xuất vẫn còn lúng túng, nhất là chưa chủ động nhân giống và phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả mang lại chưa cao. Thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư nhân giống để mở rộng diện tích các loài hoa thêm khoảng 500 mét vuông. Trên cùng diện tích trồng hoa, anh sẽ trồng xen đậu cô ve Đà Lạt. Qua việc trồng xen thí điểm một số cây, đậu cô ve phát triển rất tốt và cho hiệu quả cao bất ngờ… Theo anh Hào, nếu có điều kiện về kinh phí, hằng năm anh sẽ mở rộng diện tích trồng hoa từ ba sào đến bốn sào. Với diện tích này trồng được khoảng 70-80 ngàn cây; mỗi năm, ba vụ có thể thu nhập trên 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hữu Ánh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) huyện Nam Đông cho biết, trong quá trình sản xuất của hộ anh Trương Minh Hào, cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên theo dõi và đến kiểm tra; đồng thời hướng dẫn một số kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trạm KNLN đã có kế hoạch nhân rộng mô hình nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, cán bộ khuyến nông đang tập trung khảo sát đất đai trên địa bàn huyện để quy hoạch vùng trồng hoa một cách hợp lý. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm là vấn đề hết sức quan tâm. Trạm KNLN sẽ phối hợp với các xã, thị trấn chọn hộ nông dân điển hình để tổ chức tham quan mô hình trồng hoa của anh Hào; đồng thời chuyển giao và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho bà con. Trạm nghiên cứu nhân giống hoa cúc Đà Lạt nhằm cung ứng nhu cầu nhân rộng diện tích trên địa bàn huyện; đồng thời phối hợp với các ban ngành, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.