Lúng túng trong khâu “hậu giao rừng”
Trong khi công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) được giao cho lực lượng kiểm lâm, các đơn vị lâm nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, thì việc giao rừng cho cộng đồng quản lý đang là một trong những kế sách tối ưu. Ở Thừa Thiên Huế, mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý được thực hiện đầu tiên từ năm 2000 ở thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy (Phú Lộc). Qua quá trình thực hiện, mô hình đạt được những kết quả quan trọng trong việc gắn kết vai trò, trách nhiệm, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc hình thành nên những “tai, mắt” bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Từ đó đến nay, mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý đã được nhân rộng ở nhiều địa phương và đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng “chảy máu” rừng.
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền |
Hiện toàn tỉnh có hơn 293.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 203.000 ha. Đến nay, có gần 15.000 ha rừng tự nhiên đã được giao cho cộng đồng, nhóm hộ, gia đình ở Phú Lộc, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới quản lý, hưởng lợi. Đối tượng được giao trên địa bàn chủ yếu tập trung ở cộng đồng. Theo đề án giao rừng của tỉnh, đến năm 2014 phấn đấu giao khoảng 35.000 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý, hưởng lợi.
Tuy đã có những thành công nhất định trong việc giao rừng cho cộng đồng, song quá trình thể chế hóa và thực hiện còn có nhiều khó khăn và thách thức. Địa vị pháp lý của cộng đồng chưa rõ ràng. Các quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của cộng đồng như một chủ rừng thực sự vẫn chưa được nhà nước thừa nhận. Hệ thống chính sách về quyền của người dân để tiếp cận, quản lý và sử dụng rừng vẫn còn khác biệt với thực tiễn nên những chính sách này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, hoạt động “hậu giao rừng” và nâng cao nhận thức cho cộng đồng tiếp cận các quyền trong QL-BVR, chính sách, pháp luật liên quan đóng vai trò quan trọng không kém. Đại diện một số tổ quản lý bảo vệ rừng ở thôn Thủy Yên Thượng (Lộc Thủy- Phú Lộc), thôn Phú Mậu (Hương Phú - Nam Đông)... cho rằng, người dân vẫn chưa hiểu rõ về các quy định, hình thức xử phạt đối với các hành vi xâm hại rừng cũng như các chính sách hưởng lợi từ rừng, các mô hình sinh kế để cải thiện cuộc sống cho các thành viên trực tiếp tham gia QL-BVR.
Hướng dẫn cách khai thác, trồng xen cây song mây để giúp người dân QL-BVR khai thác hưởng lợi hiệu quả |
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, ý nghĩa của công tác giao rừng, đó là giao rừng cho dân để dân có cái ăn từ rừng và giữ rừng. Song thực tế, chế độ hưởng lợi của đối tượng được giao rừng theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa rõ ràng và hợp lý. Diện tích rừng được giao đa số là rừng nghèo, trong khi chế độ hưởng lợi phụ thuộc vào sự tăng trưởng của rừng và phải sau thời gian dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số nơi, người dân xâm chiếm nhỏ giọt, rải rác diện tích rừng được giao để trồng rừng kinh tế; hoặc cản trở động lực nhận giao rừng của cộng đồng.
Xây dựng cơ chế “hậu giao rừng”
Cách đây mấy năm, thông qua dự án MacAthur, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiên phong xây dựng mô hình làng sinh thái tại bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (Phong Điền) thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Mô hình này đã góp phần tìm ra một lối sống bền vững dựa trên thái độ và cách tiếp cận, xử sự thân thiện với môi trường. Qua đó, người dân ở Phong Mỹ có trách nhiệm hơn trong bảo vệ rừng và chủ động tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, phát hiện tài nguyên rừng.
Năm 2012, Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng triển khai thí điểm dự án “Cơ chế chia sẻ lợi ích” theo phương thức giao rừng tự nhiên cho cộng đồng 7 thôn của xã Thượng Nhật (Nam Đông) đồng quản lý với diện tích trên 9.200 ha. Dự án này nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân xã Thượng Nhật thuộc vùng đệm VQG Bạch Mã.
Từ năm 2011, thông qua nguồn tài trợ của Viện Rosa Luxemburg- Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) đã phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp thực hiện dự án thí điểm khảo sát đánh giá nhu cầu và tổ chức một số khóa đào tạo năng lực cho cộng đồng một số xã thuộc huyện Nam Đông và Phong Điền. Trong đó phải kể đến các hoạt động của dự án tại thôn Phú Mậu, Hương Phú (Nam Đông), nơi cộng đồng đang được giao quản lý hơn 126 ha rừng. C&E đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây con trong rừng tự nhiên để giúp người dân khai thác các sản vật khác như mật ong, măng rừng, song mây, dược liệu...
Các hoạt động này bước đầu đã mở ra hàng loạt cách tiếp cận giữ rừng mới. Đó là dựa vào sức mạnh cộng đồng dân cư, xác lập được những quyền và trách nhiệm cơ bản để người dân QL-BVR, giúp người dân nuôi sống được bản thân, gia đình trên chính diện tích rừng được giao. Từ thành công này, C&E tiếp tục thúc đẩy thí điểm “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền Trung Việt Nam giai đoạn 2012-2014” được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Nam Đông và Phong Điền.
Bên cạnh những chương trình, dự án “có thời hạn”, để tạo bước ngoặt chính sách đối với những người QL-BVR, tỉnh đã xây dựng đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng và thành lập Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng, tạo nguồn lực nhằm phục vụ tốt cho công tác QL-BVR. Trước mắt, việc chi trả sẽ áp dụng cho đối tượng là những chủ rừng tự nhiên. Như vậy, đề án này được xem là một trong những cơ chế “hữu hình”, giúp cộng đồng quản lý rừng tự nhiên được trả công một cách thỏa đáng từ phí dịch vụ môi trường rừng thay vì chỉ từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Điều này cũng tạo động lực cho cộng đồng được giao rừng thực hiện tốt quản lý, khoanh nuôi tái sinh rừng.
Bài, ảnh: Hoài Thương