Đúng giờ, bị đơn (là người chồng) trong vụ án do người vợ đứng đơn xin ly hôn bước vào. Thẩm phán thầm ngạc nhiên. Khác với tưởng tượng của thẩm phán về hình ảnh một tên nát rượu, vũ phu… qua lời “tố” của cô vợ, anh chàng này có vẻ ngoài bảnh trai, áo quần lịch sự, lời nói cũng nhẹ nhàng dễ lọt tai người khác. Bị đơn: “Thưa tòa, tôi cũng rất ngạc nhiên, nếu không muốn nói là kinh ngạc khi nhận giấy triệu tập đến tòa án để giải quyết việc ly hôn với vợ. Có đôi lần vợ tôi nói đến điều này, nhưng tôi nghĩ vợ chỉ dọa chứ đâu dám làm. Mâu thuẫn giữa chúng tôi chỉ là những chuyện vặt vãnh, tôi có “vi phạm” điều gì lớn đâu mà vợ đòi bỏ Tôi không đồng ý ly hôn”.

Minh họa: Hương Trà

Thẩm phán hỏi: “Những mâu thuẫn anh cho là vặt vãnh, cụ thể như thế nào?” Bị đơn: “Tôi là đàn ông nên nhiều lúc cũng chén chú chén anh với bạn bè. Chỗ tôi làm (anh này là cán bộ xã) tiền lương thấp, chỉ cần vài cuộc như thế, tôi không còn tiền để đưa cho vợ. Nhiều lúc thiếu tiền đổ xăng, tôi xin vợ. Vợ cằn nhằn gây gổ, nói tôi không có trách nhiệm với gia đình. Cô ấy ngày càng lạnh nhạt với tôi hơn, có khi ánh mắt nhìn tôi như kẻ thù. Nhưng tôi vẫn nghĩ đó chỉ là chuyện vặt giữa hai vợ chồng.

Trong những phiên hoà giải, thẩm phán đưa ra vấn đề đảm bảo quyền lợi cho 2 đứa con chung của nguyên đơn và bị đơn, rằng các cháu cần được nuôi dưỡng, phát triển tốt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Bố mẹ cần tìm tiếng nói chung, điều chỉnh bản thân (nhất là phía bị đơn), để giữ lại cho các con tổ ấm có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Bị đơn hứa hẹn. Tuy nhiên, nguyên đơn khăng khăng không đồng ý. Chị cho rằng, quá trình xử sự của chồng (trong “chuyện vợ chồng”) bao nhiêu năm qua đã khiến chị quá kinh sợ, đã phải hứng chịu cảm giác nhục nhã vì bị coi như một đồ vật. Từ đó chị đã hết tình cảm với chồng. Mặt khác, để các con chứng kiến cha say xỉn, rồi đánh đập mẹ càng không phải là hình ảnh đẹp trong tâm trí non nớt của trẻ thơ. Vì vậy, chị xin được ly hôn và xin được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng (mà không cần khoản tiền cấp dưỡng nuôi con do người chồng đóng góp) cả 2 con, “Cha các cháu dù chung sống dưới một mái nhà, nhưng chưa một ngày nào đóng góp nuôi bọn trẻ”.

Người vợ không còn tình cảm với chồng. Xét mục đích hôn nhân của “cặp đôi” này đã không đạt được, toà án quyết định cho họ ly hôn. Sau phiên xử, người vợ lặng lẽ ra về. Đến nước đó rồi, nhưng người chồng vẫn mặt mày “ngơ ngác”, còn nán lại để hỏi thẩm phán: “Sao lại như vậy. Tôi không ngoại tình, phản bội vợ là tốt rồi. Chuyện rượu chè chỉ là “tật nhỏ” của đàn ông!”

Phạm Thùy Chi