1. Trường tiểu học Nhâm (xã Nhâm) được xem là điểm trường thuộc diện khó khăn của huyện miền núi A Lưới. Gặp lại “người cũ”, thầy Đoàn Quang Tuyến, Phó Hiệu nhà trường quả quyết: “Học sinh bữa nay nghỉ học giữa chừng ít rồi em. Đừng có viết học sinh trường mình nghỉ học nữa, nhé!”.

Với cô Đinh Thị Hạnh, tình yêu thương con trẻ là lý do cô đến với A Lưới

Thầy Tuyến người huyện Phong Điền, thuộc lớp thế hệ đầu tiên gieo chữ ở vùng biên giới này. Bao nhiêu điểm trường dột nát từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước ở xã Nhâm thầy nằm lòng. Và thầy cũng đã không biết bao lần vận động học sinh quay trở lại lớp, bởi giáo viên nào đã trót lấy nơi này làm điểm lập nghiệp thì kiêm luôn việc vận động con em đồng bào đến trường. “Thuở ban đầu lên đây, ngôn ngữ và văn hóa dường như là trở lực đối với cánh giáo viên cắm bản xa. Giáo viên đôi khi dạy học chỉ dùng “ngôn ngữ hình thể”. Không chắc chắn, nhưng cũng giống như tôi, nhiều giáo viên khác ở đâu đó cũng sẽ tình nguyện đến đây chỉ để cầm phấn viết vào bức tường, tấm phên, phía dưới là những gương mặt đen nhẻm giữa không gian hoang vắng. Tôi yêu vùng đất này, giờ con gái tôi cũng đang dạy chữ ở đây. A Lưới như quê hương thứ hai của tôi”- thầy Tuyến tâm sự với một phần ký ức độ non hai thập kỷ trước khiến tôi phải liếc nhìn cơ sở vật chất của ngôi trường khốn khó một thời. Giờ có thể không khang trang bằng những ngôi trường cùng “cấp độ” ở các địa phương khác, nhưng nó cũng thể hiện nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền địa phương, nhất là lớp người đầu tiên như thầy Tuyến ở đây.

2. Tất nhiên, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến sự đóng góp của những thế hệ giáo viên kế cận. Có những người ngoại tỉnh chọn vùng đất này làm quê hương thứ hai. Họ đã cùng người dân thôn bản bao mùa say sưa trong tiếng cồng chiêng, cùng hát mừng lúa mới và san sẻ những lúc ngặt nghèo. Cô Đinh Thị Hạnh là một điển hình. Cô sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế, quê Lệ Thủy, Quảng Bình nhỏ nhắn ngày nào bây giờ dường như chẳng thể tách rời vùng đất một thời heo hút. Tốt nghiệp năm 1997 với ngành học không phải yêu thích, với cô là nghề chọn người, và cô tình nguyện chọn vùng cao A Lưới làm nơi gieo chữ. Như lời cô nói, thời sinh viên thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa giúp cô mạnh dạn, ra trường cô có nhiều sự lựa chọn nhưng lại lao vào “bể khổ”. “Lúc ra trường mình có cơ hội làm việc ở những nơi có điều kiện hơn, nhưng cuối cùng mình chọn A Lưới”, cô Hạnh chia sẻ.

Cô Hạnh lần lượt trải qua 3 điểm trường ở những bản làng khác nhau, nơi có những khoảnh đất không hề bằng phẳng, nơi dạy học phải cầm đèn pin, đi chân đất hay cầm theo nắm xôi, gói mì. “Mình trải qua 3 điểm trường ở các xã A Ngo, Hương Lâm, Nhâm. Hồi đó, ngoài xã A Ngo có cơ sở vật chất tương đối tạm chấp nhận thì điểm trường ở Hương Lâm và Nhâm việc đi lại rất khó khăn. Ở Hương Lâm, giáo viên cắm bản như mình phải vượt 40 cây số cả đi lẫn về để dạy học. Đi dạy phải cầm theo đèn pin phòng lúc trời tối, mang theo thức ăn sáng cho học sinh vì nếu bụng đói thì chúng chẳng thể cầm bút”.

“Chồng mình cũng là người cắm bản. Anh ấy cắm bản từ thập niên 80, là lính trinh sát. Cùng nhau cắm bản A Bả (xã Nhâm) rồi thương nhau luôn- cô Hạnh trải lòng.

3. Đoạn đường tiễn tôi từ xã Nhâm về thị trấn A Lưới bỗng dưng thật ngắn khi nghe chuyện thầy Ngô Hậu dạy tiểu học nuôi một "ông" tiến sĩ và một "ông" đang làm thạc sĩ.

Thầy Ngô Hậu dù mắc bệnh nặng nhưng hàng ngày vẫn tận tụy gieo chữ nơi đại ngàn

Cũng như những giáo viên từng cắm bản khác, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Huế, thầy Hậu đến những vùng đất khó gieo chữ, từ vùng đất chứa ẩn chứa đioxin Đông Sơn đến những vùng giáp biên giới Việt- Lào. 45 tuổi nhưng thầy Hậu vẫn độc thân. “Mình người quê ở Sịa (huyện Quảng Điền), so với đồng bằng, học sinh miền núi thiếu thốn hơn nhiều. Dù đã đổi thay nhưng đời sống dân trí của người dân ở các bản làng xa còn thấp. Vận động học sinh đến trường phải dùng “chiêu” như tặng xe đạp cuối năm hay đáp ứng cái dạ dày của các em  mới hiệu quả được”, thầy Hậu nói. “Bố mẹ mất sớm, nhà nghèo, mình nuôi em trai học đến tiến sĩ trở thành giảng viên đại học. Bây giờ nuôi cháu của anh trai đang học thạc sĩ. Cũng nhờ sống độc thân, không chi tiêu gì ngoài tiền thuốc nên ráng chu cấp cho 2 đứa nó ăn học”, thầy Hậu bày tỏ.

Dẫu biết nghề nào cũng vất vả, gian lao nhưng những người “gõ đầu trẻ” ở miền sơn cước khiến tôi phải nể phục. Không chỉ cô Hạnh, thầy Hậu mà còn nhiều người như thế. “Dẫu biết khó khăn nhưng mình không bỏ cuộc, giúp ích được cho người khác là mình vui rồi”- đứng dưới chân núi, lời nói trước khi chia tay của thầy Hậu, cô Hạnh cứ xoay vần trong tâm trí, tròn đều như vòng quay con chữ.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN