1 - Ngoài Jordan – đội bóng rất “cứng cựa” ở châu Á - thì tuyển Việt Nam đủ sức cạnh tranh 1 trong 2 tấm vé còn lại vào VCK Asian cup 2019 với những đối thủ cùng bảng đấu là Afganistan và Campuchia trong khuôn khổ vòng loại sân chơi này. Với tầm cỡ châu lục, việc các chân sút áo đỏ rộng cửa vào VCK Asian là điều đáng ngạc nhiên bởi đã từ rất lâu, riêng ngôi vương khu vực cũng đang là giấc mơ xa với tuyển Việt Nam, còn Asian cup, giỏi lắm chỉ là kẻ lót đường ở vòng loại, ngoại trừ năm 2007 khi Asian Cup được đưa về Đông Nam Á với 4 nước đồng chủ nhà là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

U19 Huế (áo tím) đang được đánh giá cao ở sân chơi quốc gia

Tại VCK World cup U20 thế giới 2017, ngoài Pháp - ĐKVĐ châu Âu, Việt Nam còn phải đối mặt với 2 đối thủ đáng gờm là Honduras và New Zealand. Điều này cũng có nghĩa, cửa đi tiếp của Việt Nam là rất hẹp. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một khi đã có suất dự giải bóng đá lớn nhất hành tinh dành cho lứa U20 thì đội bóng đó không thể bị xem thường.

Thật ra, nếu không tính đến câu: “Bóng đá luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ” thì chuyện tuyển Việt Nam sau khi vượt qua vòng loại Asian cup phải dừng chân ở vòng đấu tiếp theo và U20 Việt Nam không thể viết tiếp câu chuyện cổ tích ở sân chơi World cup cũng chẳng có gì bất ngờ, cũng chẳng có gì phải buồn, bởi với những gì mà các chàng trai áo đỏ đã làm được là rất đáng tự hào.

2 – Khi bài viết này lên khuôn thì vòng bảng VCK U19 quốc gia 2017 cũng đi được 1, 2 vòng đấu. Ở sân chơi này, Thừa Thiên Huế nằm chung bảng với chủ nhà Bình Định, Viettel và Long An. Ngoài việc phải đối mặt với sức ép từ khán đài của CĐV Bình Định, các chân sút trẻ Cố đô còn phải nhọc nhằn trước một Viettel “mạnh gạo, bạo tiền”. Trước đó, đội bóng của HLV Nguyễn Hoàng Linh cũng phải vượt qua bao khó khăn trong các trận chiến tranh vé vào VCK. Vậy nhưng, khi hỏi đâu là cơ sở, là nền tảng để “vượt khó”, HLV Nguyễn Hoàng Linh lại “cắc cớ” với đại ý sao phải vượt khó khi mà chẳng gặp khó khăn?! Lý do là, không thể so với các trung tâm đào tạo như HAGL-Arsenal JMG, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T, PVF, Viettel nhưng với các tỉnh, thành còn lại, “công nghệ” đào tạo bóng đá trẻ ở Huế có thể nằm ở top đầu. Với việc đầu tư, đào tạo bài bản, tính từ 2008 trở lại đây, các tuyến U13, U15, U17, U21 của Huế hoặc là lọt vào VCK, hoặc là giành huy chương (U15 HCĐ 2008, U17 HCĐ 2009 và 2012, U13 HCĐ 2015), còn U19 thì có cầu thủ lọt vào tuyển quốc gia (Trần Thành) là một minh chứng.

Nói đến chuyện huy chương, HLV Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, các tuyến trẻ của Huế khi tham dự các giải luôn cống hiến hết sức mình, nhưng điều này không có nghĩa mục tiêu duy nhất của đội là huy chương vàng. Con đường cầu thủ của các em vẫn còn phía trước, quan trọng là sau giải đấu có tích lũy được gì về chuyên môn, kinh nghiệm và cả về cách ứng xử để làm hành trang khi trưởng thành.

3 – Nhìn qua, những câu chuyện trên chẳng ăn nhập gì với nhau và khập khiễng về tầm vóc, đẳng cấp. Nhưng ở góc nhìn khác lại có điểm chung, đó là niềm hy vọng “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Sau quá nhiều lùm xùm trong, trên và cả ngoài sân cỏ ở giải khu vực lẫn quốc nội nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam đang phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích của người hâm mộ và cả người trong cuộc. Còn với Huế, câu chuyện ngân sách khiến người hâm mộ quá sốt ruột khi đội 1 cứ mãi dùng dằng với việc lên hạng hay không. Tuy nhiên, từ việc tuyển Việt Nam đến U20 Việt Nam đã góp mặt tại những sân chơi “trong mơ”; hay HLV Nguyễn Hoàng Linh tự tin vào công tác đào tạo bóng đá trẻ cùng những thành quả đáng ghi nhận của một địa phương vốn dĩ không mấy dồi dào về kinh tế như Huế đã phần nào mở ra tương lai tươi sáng cho nền bóng đá nước nhà nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG