Đến Huế trong dự án nhiệm trú của New Space Arts Foundation (NSAF). Sau thời gian làm việc tại NSAF, họa sĩ Lê Kinh Tài tổ chức triển lãm “Cá gỗ, bánh vẽ, thịt rất tươi” để giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng. Đây là 9 bức tranh sơn dầu và tổng hợp được anh sáng tác trong vòng 1 tháng ở Huế. Thoạt nghe, tên triển lãm có vẻ ngồ ngộ nhưng tác phẩm lại gợi lên bao triết lý nhân sinh. 9 tác phẩm là những mảnh ghép của Lê Kinh Tài về ký ức tuổi thơ, từ câu chuyện của mẹ về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, khi mà người ta phải sử dụng đến thứ không thể ăn: những con cá gỗ như là sự tự kỷ ám thị cho dễ nuốt. Tuy nhiên, chính yếu vẫn là sĩ diện với những kẻ dòm ngó đến sự nghèo của mình. Trong cách nhìn của Lê Kinh Tài, bây giờ vẫn rất nhiều người dùng “cá gỗ”. Chỉ khác là, những con cá gỗ thời nay là những chiếc ví hàng hiệu, siêu xe, biệt thự nhưng hệ quả là chủ hàng núi nợ nần. Họ đang làm ra và tự ăn những chiếc “bánh vẽ” và “thịt rất tươi” trước mặt không ít người còn đang muôn vàn khó khăn.

Họa sĩ Lê Kinh Tài bên tác phẩm của mình

Trước đây, Lê Kinh Tài thường chỉ vẽ phong cảnh, người mẫu... Nhưng rồi nhịp sống bộn bề và những bức xúc trong cuộc sống đã mang lại cho anh thái độ nghệ thuật khác. Anh phát hiện rằng, những giây phút bất chợt, những con người, sự việc của đời sống ngày thường rất cần được tôn vinh. Với Lê Kinh Tài, thực tế cuộc sống là nguồn đề tài không bao giờ cạn. Hàng ngày, Lê Kinh Tài thâm nhập vào đời sống để trang bị cho mình kiến thức về văn hóa, xã hội... Anh tiếp xúc với nhiều kiểu người thuộc mọi tầng lớp khác nhau, tìm hiểu suy nghĩ của họ. Một thời gian, ban ngày anh la cà khắp nơi, có khi đóng vai là một trí thức, kẻ du côn, hay người bán hàng rong để khai thác tất cả trạng thái của đối tượng anh muốn thể hiện. Anh cũng thường lên facebook để đọc những câu status chia sẻ tâm trạng của mọi người.

Cá gỗ 1

Họa sĩ Lê Kinh Tài tâm sự: “Thâm nhập vào cuộc sống là điều cần thiết với người nghệ sĩ. Tôi thường ghi chép và gạn lọc những điều nhỏ nhất mà tôi bắt gặp hàng ngày trên đường đời. Điều gì làm tôi trăn trở, thất vọng hay hạnh phúc, thăng hoa thì vẽ. Đôi khi tôi lại lục lọi từ ký ức, kể cả các ký ức của tuổi thơ, hầu hết là thân phận con người, mỗi ngày một nặng, đến khi không mang vác được tôi vung vẩy nó thành tác phẩm. Trong lúc làm việc, tôi không ngại mình vẽ xấu hay đẹp, chỉ trải hết vào tác phẩm đến khi chuyển hết những ý nghĩ được đúc kết thì tôi dừng cọ”. Và thay vì viết nhật ký, Lê Kinh Tài đã ký họa, phác thảo về cuộc sống của mình như là sự ghi chép của ký ức.

Thịt tươi 1

Họa sĩ Lê Kinh Tài sinh năm 1967, tại Đà Nẵng, sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Anh được đánh giá là một trong những gương mặt nổi bật của hội họa trẻ TP. Hồ Chí Minh và cũng là một trong những họa sĩ Việt Nam có giá tranh khá cao hiện nay. Năm 2009, Lê Kinh Tài được dư luận, giới hội họa đặc biệt chú ý khi nhà sưu tập ZEN Collection mua 37 bức tranh của anh với giá 4,9 tỷ đồng.

Hiện thực cuộc sống được Lê Kinh Tài nhìn với thái độ trào phúng nhẹ nhàng. Sắc thái trào phúng đã được anh thể hiện bằng một phong cách rất riêng, ngộ nghĩnh nhưng đầy phá cách của mỹ thuật đương đại. Nét vẽ của anh mạnh mẽ và đầy trăn trở với màu sắc đa dạng: đôi lúc trẻ trung, ngây thơ, đôi lúc dữ dội bất ngờ. Đối với Lê Kinh Tài, vẽ một bức tranh không còn là một trạng thái đóng kín như trước đây với những yêu cầu, thói quen về bố cục chặt chẽ, về tính hài hòa…

Có lẽ, tranh của Lê Kinh Tài ấn tượng với tất cả người xem ở cách anh vẽ hàm răng để thể hiện nụ cười. Hầu như tác phẩm chân dung nào cũng có. Đó là nụ cười mỉa mai, cay nghiệt, thân thiện, hài lòng, nhiều khi như sự chịu đựng... “Tôi dùng bộ răng để dễ diễn tả trạng thái của con người. Có khi vấn đề cực kỳ mỉa mai nhưng tôi muốn nó mềm lại nên trông hài hước. Ngược lại, khi cảm thấy sung sướng, tôi trầm lại để suy ngẫm. Tôi muốn mang đến cho người thưởng ngoạn một thế giới nội tâm để thấy rõ mình hơn”, họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Lê Kinh Tài quan niệm, mỹ thuật chuyên nghiệp không phải cứ suốt ngày cầm cọ vẽ mà quan trọng là thái độ đối với sự nghiệp, phương pháp tiếp cận nghệ thuật. Họa sĩ phải hòa mình vào cuộc sống.

 

Trang Hiền