Di sản thế giới Palmyra ở Syria bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: UNESCO

Bà Irina Bokova - Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá LHQ (UNESCO), cho biết: "Việc phá hủy các di sản một cách cố ý đã trở thành một chiến thuật chiến tranh để phá hoại xã hội trong dài hạn, trong một chiến lược tẩy sạch văn hoá", do đó, theo bà, việc bảo vệ các di sản đó không chỉ là vấn đề văn hoá mà còn là một yêu cầu về an ninh không thể tách rời với việc bảo vệ cuộc sống con người.

Trong cuộc họp báo, bà giải thích rằng kể từ khi thông qua Nghị quyết 2199 (vào năm 2015) về việc cấm buôn bán tài sản văn hoá từ Iraq và Syria, nhiều nỗ lực đã và đang được tiến hành để ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố thông qua việc buôn bán bất hợp pháp các đồ tạo tác cổ.

Tổng giám đốc Irina cũng cho biết, cùng với UNESCO, INTERPOL, Văn phòng LHQ về chống Ma túy và Tội phạm UNODC, các cơ quan hải quan, khu vực tư nhân và các viện bảo tàng, tất cả đều thúc đẩy hợp tác, phối hợp trong các hành động mới.

Với Nghị quyết mới được thông qua, Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh rằng sự tàn phá như vậy có thể cản trở quá trình hòa giải sau xung đột, làm suy yếu sự phát triển kinh tế và văn hoá, và thậm chí có thể trở thành tội phạm chiến tranh trong một số trường hợp.

Bà Irina nhấn mạnh rằng, thông điệp của nghị quyết lịch sử này là "vũ khí không đủ để đánh bại cực đoan bạo lực. Quá trình xây dựng hòa bình đòi hỏi phải có văn hoá, giáo dục, bảo vệ và lưu truyền di sản".

Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua Nghị quyết 2347 (2017), lên án việc phá hoại các di sản văn hoá bất hợp pháp trong xung đột vũ trang, đặc biệt là các nhóm khủng bố. Ảnh LHQ / Manuel Elias

Một viên chức chính trị hàng đầu của LHQ cũng cho biết, ngoài việc cố gắng thực hiện khuôn khổ pháp luật và văn bản pháp luật quốc tế về bảo vệ văn hoá cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, cần có phản ứng từ bộ phận tư pháp hình sự toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn buôn người bất hợp pháp, thông qua việc phá vỡ mạng lưới tội phạm có tổ chức và khủng bố.

"Chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào việc điều tra, hợp tác xuyên biên giới và trao đổi thông tin, liên kết các đối tác trong khu vực tư nhân và công cộng, bao gồm cả các đại lý và ngành du lịch, để thúc đẩy sự toàn vẹn chuỗi cung ứng và ngăn chặn việc buôn lậu các tài sản văn hoá", quan chức này nhấn mạnh.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & UN)