Nếu trước năm 1986, Việt Nam là một nước thiếu ăn trầm trọng, sau công cuộc Đổi mới với hàng loạt chính sách “cởi trói” cho nông nghiệp như khoán 10, khoán 100, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đủ ăn.
Không chỉ vậy, có một thời gian dài nước ta trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, có năm đến 8 triệu tấn, trong đó ĐBSCL chiếm 90%.
Sản xuất lúa gạo rất cần sự kiến tạo, dẫn dắt cụ thể, sâu sát hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy vậy vài năm trở lại đây, lúa gạo Việt Nam đang bị nhiều thách thức, không chỉ thua trên thị trường quốc tế mà còn bị gạo ngoại xâm lấn ngay thị trường nội địa. Do vậy rất cần một sự kiến tạo, dẫn dắt cụ thể, sâu sát hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tất cả những người sống trong một thời bao cấp đều thừa nhận, đã từng mơ có một bữa cơm no, cơm không độn khoai, sắn là hạnh phúc. Nói điều này để thấy hạt gạo Việt Nam luôn có một giá trị vật chất vô cùng to lớn trong mỗi giai đoạn của lịch sử. Ngay trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu được no đủ vẫn thường trực trong mỗi người.
Nhìn từ nhiều nước trên thế giới sẽ thấy điều này khi thiên tai, địch họa, dịch bệnh, bất trắc xảy ra thì hạt gạo vẫn là đích đến. Người ta không thể chịu được cảnh đói.
Nói điều này để khẳng định, chúng ta không thể hô hào từ bỏ ngay việc trồng lúa một cách tùy tiện, theo phong trào. Mà cần cân nhắc, thận trọng.
Vấn đề mấu chốt là trồng lúa diện tích bao nhiêu là đủ và chất lượng gạo Việt phải làm gì để cạnh tranh? Cách nào giúp người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo không bị thua lỗ, thậm chí tiến lên làm giàu.
Những điểm yếu của lúa gạo Việt Nam hiện nay có thể kể đến như sản xuất lúa gạo hiệu quả và giá trị gia tăng còn thấp; sản xuất lúa thiếu tính bền vững; sử dụng vật tư đầu vào chưa hiệu quả, thất thoát sau thu hoạch còn lớn; chất lượng gạo không đồng đều; gạo chưa có thương hiệu; Thu nhập của nông hộ vẫn thấp so với nhiều ngành nghề khác và so với nông dân các nước trong khu vực.
Nguyên nhân chủ yếu do quy mô nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn; mối liên kết "4 nhà" còn lỏng lẻo; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ từ trồng lúa đến hạt gạo đem đi tiêu thụ còn thấp. Ngay cả thể chế, chính sách cho lúa gạo còn nhiều bất cập, thậm chí đôi khi là lực cản, nhất là chính sách về hạn điền.
Những hạn chế, bất cập trong sản xuất lúa gạo đã được nhận diện. Vấn đề là các cấp quản lý, trong đó vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng, các tổ chức hội và các cấp chính quyền địa phương phải liên tục kiến tạo, thúc đẩy, hỗ trợ giúp nông dân cởi bỏ những” nút thắt”.
Các đơn vị này phải thường xuyên tham mưu, đề xuất cho Chính phủ cải thiện thể chế, thực thi hiệu quả các chính sách; tạo điều kiện tốt nhất cho lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.
Trong đó có việc nới rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất; cơ cấu lại diện tích, mùa vụ hợp lý; hoàn thiện về giống, hệ thống thủy lợi, đầu tư chuyển giao khoa học công nghệ, vốn; hình thành chuỗi liên kết sâu trong sản xuất lúa gạo, nhất là khuyến khích hình thành các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất theo cánh đồng lớn; phát triển và duy trì thị trường tiêu thụ gạo bền vững...
Đối với nông dân Việt, đa số lâu nay sản xuất lúa gạo đã trở thành một thói quen, khó bỏ vì chưa biết nuôi con gì, trồng cây gì để có thể ổn định. Do vậy, vai trò định hướng, dẫn dắt, thậm chí “cầm tay chỉ việc” của các cấp, các ngành hiện nay vẫn vô cùng quan trọng, cần thiết; đừng để nông dân làm lúa gạo “tự bơi” trong cơ chế thị trường”.
Theo VOV