Chất lượng không đạt yêu cầu chính là khó khăn mấu chốt của vấn đề đang được đặt ra. Theo TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), điều trước hết phải làm trong xuất khẩu gạo ra các thị trường, trong đó bao gồm cả các thị trường truyền thống là các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược và mục tiêu ở lĩnh vực này. Điều này xuất phải từ chỗ, thay vì cứu đói tức thời và bảo vệ an ninh lương thực, nhiều khách hàng là các nước thiếu gạo đã tự đầu tư cho an ninh lương thực. Điều này dẫn đến việc nhập khẩu đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ lượng chuyển sang chất. Tuy nhiên, việc chuẩn bị một đơn hàng đủ lớn để đảm bảo với chất lượng theo yêu cầu lại không hề đơn giản, nhất là khi việc chuẩn bị vùng sản xuất tập trung dường như chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Chất lượng gạo không đồng đều là hệ quả của việc giống lúa được sản xuất không đồng đều, thậm chí là khá phân tán ở mỗi vùng và các vùng. Điều này cũng cho thấy một thực tế là trong một thời gian khá dài, điều này vẫn là một lựa chọn dễ dãi, chưa được đầu tư và xem đó như là một chiến lược dài lâu cho sự phát triển. Cũng có thể nó là điểm nghẽn do hệ lụy từ việc gom đủ số lượng xuất khẩu cho những nhu cầu tức thời, đến khi các thị trường này chững lại và bắt đầu có sự đầu tư cho chính mình, đồng nghĩa với những đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng đã đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam vào phiên lận đận. Thông tin từ TS Đào Thế Anh cho hay, châu Phi hiện cũng đã lắc đầu với gạo Việt Nam. Gạo Campuchia, Lào đã vượt lên về chất so với gạo Việt Nam là thông tin cần lưu ý trong mối liên quan này.

Trong khi đó, việc sản xuất gạo “sạch” – gạo hữu cơ cũng đã được đầu tư song phần vì số lượng chưa đủ lớn, phần vì mặc dù đã có được một số hợp đồng với thị trường bên ngoài, song các doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ lại vấp phải những khó khăn đến từ quy định cũ về kho bãi... nên phải mua hoặc nhờ doanh nghiệp khác xuất khẩu hộ. Thay đổi thể chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo là hai điều đã được các chuyên gia đề cập như việc phải làm để phù hợp với sự thay đổi mang tính thực tiễn.

Ở góc độ hẹp, việc sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh cũng đang vấp phải những khó khăn. Dù có thể chưa tham gia vào thị trường xuất khẩu, nhưng ngay cả việc xuất nội địa thôi cũng là vấn đề của Thừa Thiên Huế. Người dân cũng chưa phải là đã mặn mà với lúa gạo trên địa bàn và thường dùng nó vào các mục đích sử dụng khác chứ chưa phải là trong bữa ăn hàng ngày, nhất là trong khi họ có nhiều lựa chọn hơn về gạo ngon, gạo đủ chuẩn và gạo sạch.

Chính vì thế, điều cần được quan tâm ở đây chính là không phải là sản xuất đại trà mà ở chỗ, chọn những bộ giống thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... của từng vùng đất và hướng đến việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo ngay trên sân nhà.

Minh Hà