Điểm tập kết và ủ phân hữu cơ ở Hương Xuân

Thay đổi nhận thức

Dọc tuyến đường dẫn đến tổ dân phố Xuân Tháp thuộc phường Hương Xuân không còn rác thải bừa bãi như trước. Mỗi hộ dân ở đây đều có hai thùng rác, một đựng rác hữu cơ, một đựng các loại rác vô cơ. Riêng rác thải có thể tái chế như túi ni lông, chai lọ, hộp giấy...được người dân để riêng, tập trung tại một điểm bán chai bao. Sau khi rác được phân loại, vào ngày cố định sẽ có người đến tận nhà thu gom và đưa đến bãi tập kết rác vô cơ và hữu cơ của tổ.

Ông Phạm Viết Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Xuân chia sẻ: Trước đây, người dân cũng tiến hành phân loại rác, tuy nhiên mức độ không triệt để như hiện nay. Sau khi dự án triển khai, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 2 thùng nhựa đựng rác, tham gia các lớp tập huấn, được các tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn cách thức phân loại. Hiện toàn tổ có 82 hộ tham gia phân loại rác tại nguồn để sản xuất phân hữu cơ, rác vô cơ chuyển đi chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Rác hữu cơ được người dân tận dụng triệt để phục vụ chăn nuôi, phần còn lại được đưa vào thùng rác và được thu gom tận nhà, chuyển đến vị trí tập kết với số lượng trung bình khoảng từ 15 đến 20kg. Sau 3 tháng ủ, sản phẩm phân thu được người dân sử dụng bón cho đồng ruộng, vừa cải tạo đất, vừa giảm thiểu sử dụng phân hóa học.

Thay vì dồn chung các sản phẩm rác vào 1 thùng và đưa đến điểm tập kết như trước đây, người dân đã bắt đầu biết phân loại từng sản phẩm trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm lượng rác thải đưa đi chôn lấp.

Bà Trương Thị Như Mỹ, thôn Tân Xuân Lai, Quảng Thọ cho biết: "Ngoài 2 thùng rác do dự án hỗ trợ, tôi còn mua thêm 1 thùng chuyên đựng các loại giấy, lon nhựa… Rác hữu cơ được tận dụng sản xuất phân phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp và các loại chai nhựa tái chế đem bán cho chai bao. Toàn những điều có lợi, nên tôi chẳng ngại khi nhà có đến 3 thùng rác, các thành viên trong gia đình cũng ý thức hơn trong việc phân loại rác thải".

Theo ông Hironori Koyama, thành viên đoàn chuyên gia Jica từ dự án Chất thải rắn Việt Nam, việc ủ phân compost theo phương pháp hiếu khí gần giống như phân hủy trong tự nhiên, nhưng được tối ưu hóa các điều kiện môi trường cho hoạt động của vi sinh vật. Phương pháp này sẽ hạn chế chôn lấp rác thải và giúp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Sản xuất phân compost còn giúp diệt các mầm bệnh nguy hiểm vì trong quá trình phân hủy sinh học, nhiệt độ trong hầm ủ gia tăng làm tiêu hủy các trứng, ấu trùng, vi khuẩn trong chất thải. Hoạt động này còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác như: tiết kiệm chi phí chôn lấp rác, tận dụng được nguồn tài nguyên rác.

Cần xây dựng hành lang pháp lý

Huyện Quảng Điền đang tập trung triển khai xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn. Theo đó, mỗi xã, thị trấn sẽ chọn 1 thôn, tổ dân phố làm điểm sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện.

Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Dù được phân loại tại các hộ gia đình, nhưng do không có cơ sở tái sản xuất rác hữu cơ nên  rác thải thường được nhập làm một mối và đưa về các bãi tập kết. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn thất bại sau một thời gian triển khai. Việc xây dựng điểm tập kết rác hữu cơ và tiến hành ủ thành phân như hiện nay được xem là giải pháp có tính khả thi rất cao.

Khó khăn nhất hiện nay trong thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt là sự tham gia của người dân. Trong khi, người dân vẫn chưa thật sự mặn mà với việc phân loại rác thì sự tham gia tuyên truyền của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… rất cần thiết và nên đưa vào hương ước, quy ước của làng, xã để  người dân có ý thức chung tay bảo vệ môi trường.

Hiện nay, chi phí thu gom, xử lý rác thải do chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý”. Đây là cơ sở buộc người dân phải có trách nhiệm với hành vi của mình; đồng thời cũng là một trong những giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng để mô hình phân loại rác tại nguồn thực sự có hiệu quả, cần hình thành hành lang pháp lý liên quan như: các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt;  quản lý Nhà nước, nhân lực, tài chính phục vụ chương trình. Phân loại rác tại nguồn cần thực hiện liên tục, không nóng vội và thay đổi nhận thức người dân không phải ngày một ngày hai, vì thế công tác tuyên truyền giữ vai trò rất quan trọng.

Hoàng Loan