Khảo sát điểm du lịch khe Đầy (Hương Thủy)

Nhiều tiềm năng

Phong Điền là huyện có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển du lịch. Ngoài những nơi nổi tiếng, được biết đến lâu nay như khu nghỉ dưỡng Thanh Tân, làng cổ Phước Tích, còn nhiều địa điểm, di tích thú vị khác ít được biết đến. Chỉ riêng việc dẫn du khách trải nghiệm dọc theo sông Ô Lâu đã có thể giới thiệu về Phò Trạch - nơi lưu giữ được điệu múa truyền thống có từ lâu đời, giới thiệu về di tích miếu cổ Cồn Trên ở Phong Bình, di tích Chămpa cổ ở Ưu Điềm hay điệu múa náp Điền Môn...

Tuy không có điểm mạnh về biển như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc, nhưng Hương Thuỷ cũng đã kịp định hình lợi thế du lịch của địa phương ở các loại hình: tham quan văn hóa - lịch sử - tâm linh, đồng quê - sinh thái - nghỉ dưỡng và vui chơi - giải trí… Với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tiên Hương Thuỷ đã xác định phối hợp cùng với các ban, ngành chức năng trong tỉnh để đầu tư tôn tạo và khai thác hiệu quả các điểm di tích văn hóa - lịch sử - tâm linh. Đó là các di tích lịch sử trên địa bàn; đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư hoạt động du lịch những khu vực đã được định hình, như: khu vực hai bên sông Vực, hồ Châu Sơn, hồ Ba Cửa với loại hình du lịch sinh thái ven sông, hồ, với hoạt động chủ yếu là nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, giải trí… Mới đây, UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư dự án Điểm du lịch thác Chín Chàng - khe Đầy trên địa phận xã Dương Hòa. Theo đó, với sự đầu từ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch Cửu Long Xanh, Chín Chàng sẽ là điểm đến có khả năng phục vụ 500 khách/ngày, sản phẩm dịch vụ gồm: tắm suối, du lịch sinh thái và thưởng thức đặc sản vùng.

Còn nhiều việc khó

Trước tiên là nguồn nhân lực. Hơn ai hết, chính đội ngũ nhân lực du lịch là bộ phận có trách nhiệm dự báo, sáng tạo, dẫn dắt và hướng dẫn cộng đồng sáng tạo nên các giá trị du lịch mới. Thực tế, đội ngũ này ở nhiều địa phương của Thừa Thiên Huế đang vừa thiếu, vừa không được đào tạo đúng chuyên ngành nên bị động với nhiệm vụ “dự báo, sáng tạo” ra các sản phẩm du lịch mới. Ông Trần Quang Cườm, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền chia sẻ: “Phòng Văn hóa thông tin có 7 cán bộ, chuyên viên nhưng chưa có ai được đào tạo chuyên môn về du lịch. Ở cấp xã, mỗi địa phương chỉ có một công chức phụ trách chung, trình độ lại không đồng đều và không đúng chuyên môn nên rất khó để tham mưu những kế hoạch phát triển riêng về du lịch. Hơn nữa, để làm tốt du lịch cộng đồng thì mỗi người dân cũng phải biết cách thức để làm, nên lực lượng này cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể”.

Từ thực tế của thị xã Hương Thủy, ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, chia sẻ: “Về quản lý Nhà nước thì cán bộ của phòng làm nhiệm vụ phụ trách chung, không chuyên sâu như cấp sở nên hầu như không có khả năng tham mưu. Cán bộ làm du lịch đáp ứng được yêu cầu công việc, đó là cả vấn đề của địa phương”.

Chính vì đội ngũ tại chỗ chưa thể là lực lượng xung kích, trong việc tham mưu, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch đúng tiềm năng thực tế nên các địa phương có nhu cầu rất cao về các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ông Trần Quang Cườm ví von: “Chỉ cần nhìn tay cầm cái ly là người ta thấy mình có biết làm du lịch hay không? Chúng tôi rất muốn Sở Du lịch tiếp tục tạo điều kiện và tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cũng như lực lượng trực tiếp làm công tác về du lịch”.

Ngành du lịch các địa phương còn gặp khó khi chưa đủ điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, bị động việc tiếp cận với các doanh nghiệp lữ hành và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với ngành quản lý trực tiếp là Sở Du lịch. Ông Nguyễn Phương Toàn nói: “Hiện nay, phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế nói chung và của thị xã Hương Thủy nói riêng mới nằm trong quy hoạch tổng thể của UBND tỉnh. Trong khi đó, chúng tôi cần quy hoạch cụ thể hơn của ngành và cần ngành phối hợp chặt chẽ hơn về công tác chỉ đạo cũng như hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể”. Ông Trần Quang Cườm kiến nghị: “Thiên nhiên ưu đãi cho Phong Điền nhiều tiềm năng về du lịch và chúng tôi cũng đã có những kế hoạch cụ thể để phát triển những tiềm năng ấy thành thế mạnh kinh tế địa phương. Thêm nguồn lực cho việc này, chúng tôi kiến nghị Sở Du lịch tạo điều kiện tổ chức những đợt xúc tiến du lịch để chúng tôi có thêm cơ hội để giới thiệu về thế mạnh của mình, đồng thời kết nối có hiệu quả với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch”.

ĐỒNG VĂN