Bia di tích chiến thắng đồn Đất Đỏ tại làng Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ, Phong Điền
Tháng 3/1947, Chiến khu Hòa Mỹ (Phong Mỹ, Phong Điền), căn cứ địa chống Pháp đầu tiên của Thừa Thiên Huế được thành lập. Lúc này, tinh thần chống Pháp của quân và dân Thừa Thiên Huế ngày càng dâng cao. Xã, thôn nào cũng xây dựng cơ sở cách mạng vững mạnh và trở thành hậu phương tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho chiến khu. Đêm đêm, những đoàn dân công từ đồng bằng nối tiếp nhau vượt qua những bót đồn của quân giặc để vận tải lương thực, thực phẩm lên chiến khu. Quân Pháp thấy được khả năng lớn mạnh của chiến khu Hòa Mỹ nên tìm mọi cách đánh phá. Ngoài việc tổ chức đồn bót án ngữ, quân Pháp đã đưa tới đây một tiểu đoàn quân tinh nhuệ có phiên hiệu là Tiểu đoàn 13 bộ binh sơn cước, với những tên lính chuyên được huấn luyện để đánh ở vùng đồi núi, địa thế hiểm trở. Một bộ phận của đơn vị này đóng quân tại khu vực đồn Đất Đỏ, với mục đích đánh phá và ngăn chặn sự phát triển của chiến khu. Thế nhưng, với sự mưu trí và dũng cảm của quân và dân vùng chiến khu, đồn Đất Đỏ đã bị tiêu diệt vào đêm 29 rạng ngày 30/3/1947. Thắng lợi đồn Đất Đỏ làm nức lòng quân và dân Thừa Thiên Huế, tạo thêm thời cơ thuận lợi và niềm tin tất thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong một lần tình cờ tiếp cận với một hiện vật bằng đồng do người dân tìm thấy khi dò tìm phế liệu ở Phong Sơn, tôi đã đọc nội dung được khắc trên đó và phát hiện đây chính là hiện vật liên quan đến trận đánh đồn Đất Đỏ. Đó là tấm bảng đồng mà quân Pháp khắc tên và chức vụ của những sĩ quan và hạ sĩ quan của Tiểu đoàn bộ binh sơn cước Pháp đã tử trận ở đây. Tấm đồng dài 29,5cm, rộng 19,5cm, dày khoảng 1,8cm có trọng lượng 7 kg. Tấm đồng có lỗ ở 4 góc. Tôi đoán rằng, nó đã từng được gắn vào một tấm bê tông và đây chính là một bia mộ ghi danh những người lính chết trận của quân Pháp. Góc trên phía trái tấm bia là hình khắc bông hoa nằm trong một hình tứ giác (dạng cánh diều hình thoi); góc trên phía phải khắc hình cây kèn đồng bao quanh thập tự giá và một con chim đang xòe cánh. Có lẽ đây là phù hiệu tưởng niệm binh lính tử trận của Pháp. Phía trên là dòng chữ lớn ghi phiên hiệu đơn vị (được khắc thành 2 dòng); tiếp dưới là danh sách những người lính Pháp đã tử trận. Tôi đã mua lại hiện vật này và hiến tặng cho Đảng bộ và Nhân dân xã Phong Mỹ (chiến khu Hòa Mỹ xưa) để trưng bày trong Nhà truyền thống của xã.
Qua nội dung tấm bia này, chúng ta đã xác minh được sự kiện và thời gian diễn ra trận đánh một cách chính xác. Đồng thời biết rằng, trong đợt tấn công đồn đầu tiên bắt đầu từ chiều tối 29/3/1947, ta đã tiêu diệt được Trung sĩ Orsini, còn lại là danh sách các hạ sĩ quan tử trận vào rạng sáng ngày 30/3/1947.
Chiến thắng đồn Đất Đỏ diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm.Tại vùng đất chiến khu xưa Hòa Mỹ, những cụ ông, cụ bà lớn tuổi vẫn còn nhớ và vô cùng tự hào với chiến công đánh Pháp của quân và dân chiến khu cách đây 70 năm. Đặc biệt là nhớ đồng chí Hà Văn Lâu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân, người đã trực tiếp chọn những cán bộ và chiến sĩ hăng hái nhất lập thành đại đội chủ công tiêu diệt đồn Đất Đỏ (Đại tá Hà Văn Lâu qua đời vào ngày 6/12/2016 tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện mộ táng tại Nghĩa trang làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang).
Nguyễn Thế