Một điểm “hạ nền” sai phép ở phường Phú Bài đã bị xử lý và yêu cầu khắc phục hậu quả
Điểm nóng
Tại Thủy Phương hiện có 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp mỏ khai thác đất san lấp và 3 đơn vị được cấp phép cải tạo đất. Do lợi thế đất rừng rộng, nhiều cửa rừng, giao thông thuận lợi nên phường Thủy Phương là một trong những điểm nóng về tình trạng khai thác đất san lấp.
Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, bản thân ông cùng với cán bộ phường tuần nào cũng 3-4 phiên vào rừng để kiểm tra tình hình. Công việc gần như là đi giữ đất. Hiện đang cao điểm mùa trồng rừng nên nhiều người lợi dụng việc múc hố trồng cây, cuối ngày di chuyển đất ra ngoài gây khó khăn cho công tác quản lý. “Trong số các đơn vị được cấp phép khai thác đất san lấp trên địa bàn, nhiều đơn vị làm tốt, đúng phạm vi, thẩm quyền nhưng các đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xe chở đúng trọng tải và quản lý chặt chẽ nhân viên. Cũng có tình trạng, cùng một chiếc xe múc nhưng lần đầu kiểm tra thì khai chủ là ông A, nhưng lần sau bị kiểm tra nữa thì lại khai chủ là ông B, gây khó khăn cho địa phương khi xử lý”, ông Tài nói thêm.
Riêng lĩnh vực khai thác đất san lấp, Hương Thủy hiện có 8 đơn vị có giấy phép hoạt động. Ba tháng đầu năm 2017, các ngành chức năng của thị xã đã kiểm tra, đình chỉ 5 trường hợp khai thác trái phép, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp và 1 trường hợp đang xử lý. Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã cho biết: “Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng tình trạng khai thác đất san lấp trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc cho người dân. Các đối tượng khai thác trái phép thường tranh thủ hoạt động ngoài giờ hành chính, ban đêm và ngày nghỉ. Ngoài ra, cũng có tình trạng người được cấp mỏ nhưng hoạt động không đúng phạm vi, vị trí mà lợi dụng sự thiếu giám sát của cơ quan chức năng để khai thác vị trí khác”.
Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho rằng, sở dĩ tình hình khai thác đất san lấp ở Hương Thủy diễn ra phức tạp kéo dài một phần là do các cơ quan quản lý có sự nể nang, du di trong quá trình kiểm tra, giám sát và xử lý. Để lập lại trật tự đối với hoạt động này, đồng thời đảm bảo một cách công bằng cho những đơn vị hoạt động đúng luật, thị xã sẽ áp dụng những biện pháp “cứng” để chấn chỉnh.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
Đến nay, các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác đất san lấp trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã đồng thuận ký cam kết trong thời gian đến không thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép. |
Những biện pháp được coi là “cứng” mà Hương Thủy sẽ áp dụng trong thời gian tới là không có sự ngoại lệ cho bất cứ hành vi vi phạm nào; không có sự nể nang, xin xỏ; ngành nào, địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm mà không xử lý hoặc không biết thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Để có sự vào cuộc đồng bộ và tăng cường sự kiểm tra, thị xã Hương Thủy đã thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện các cơ quan chức năng và chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn. Đôn đốc các xã, phường tăng cường công tác quản lý và phối hợp chặt chẽ với tổ công tác để kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong các hoạt động khai thác đất san lấp. UBND thị xã tiếp tục tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền để các tổ chức, cá nhân hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực khai thác đất san lấp. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật, khai thác đúng mỏ được cấp phép, đảm bảo vệ sinh môi trường tại điểm khai thác và trên những tuyến giao thông đi qua.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh kiểm tra theo kế hoạch và cả kiểm tra đột xuất để ngăn chặn nạn khai thác đất trên địa bàn. Sẽ tiến hành cắm mốc, biển báo đầy đủ và siết chặt quản lý xe chở quá tải. Quyết tâm của thị xã là lập lại cho được trật tự hoạt động này trên địa bàn. Dù không cứng nhắc nhưng cứ hoạt động không phép, sai phép là xử lý. Những trường hợp vi phạm lặp lại nhiều lần, sẽ kiến nghị UBND tỉnh có quyết định xử phạt ở mức cao hơn”, ông Nguyễn Đắc Tập nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN