Toàn huyện Phú Vang có 7.309 đối tượng chịu thiệt hại (chưa tính thuyền viên trên tàu khai thác xa bờ) thuộc 8 xã, thị trấn là Thuận An, Vinh Hà, Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Phú Diên, Phú Hải, Phú Thuận với tổng tiền bồi thường gần 270 tỷ đồng. 

Để công tác chi trả diễn ra đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, ngay từ đầu, huyện chỉ đạo các xã trao quyền tự chủ cho người dân từ việc xác định đối tượng, công khai lấy ý kiến... Sau đó, Hội đồng đánh giá xã kiểm tra, xác minh, giải quyết các đơn thư, kiến nghị và tiếp tục công khai kết quả để lấy ý kiến phản ảnh của người dân. Với số lượng tiếp nhận 4.255 đơn thư, kiến nghị tạo nên một khối lượng công việc không nhỏ, đòi hỏi huyện phải có cách giải quyết khoa học, hợp lý, hợp tình. Để tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp sau khi áp giá đền bù, huyện chỉ đạo các xã, thôn thành lập tổ giải quyết đơn thư ngay tại xã, mỗi tổ có 5 cán bộ cấp huyện với đủ các thành phần gồm: lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và cán bộ xã, thôn. Sau khi xem xét đơn thư, kiến nghị, các tổ cử cán bộ về tận thôn để điều tra, xác minh nhằm giải quyết thỏa đáng cho ngư dân. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các địa phương lồng ghép công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ về chính sách bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, tránh tình trạng nhiều người dân khiếu nại, khiếu kiện không đúng đối tượng; thực hiện tốt việc thống kê, rà soát, đánh giá thiệt hại để làm cơ sở đền bù; thành lập tổ kiểm tra, xác minh nội dung đơn kiến nghị, phản ảnh của người dân về việc bổ sung danh sách kê khai đền bù thiệt hại cho người dân theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Qua đó, 100% đơn thư của ngư dân ở Phú Vang đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa. Trong đó, 1.701 đối tượng rà soát đủ điều kiện đúng theo Quyết định 1880 của Chính phủ đã đưa vào hỗ trợ lần 2, lần 3 của đợt 1. Có 8 đối tượng thuộc diện khó giải quyết do một số hộ nuôi tôm diện tích lớn tự ý thả con giống trong thời gian nguồn nước được xác định là không an toàn nên không được đền bù theo qui định. Vướng mắc còn lại của địa phương là một số hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống ven bãi biển chưa được UBND huyện kê khai đền bù trong đợt 1 đã có đơn khiếu nại. Sau khi xem xét tình hình, dựa vào khoản 6, điều 1 của Quyết định 1880 có quy định “Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển. Người dân sống ven biển làm nghề có tính chất đơn giản: Bán hàng, làm dịch vụ cho khách du lịch có địa điểm kinh doanh hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú ở các xã, phường, thị trấn ven biển, bị thiệt hại do sự cố môi trường biển”. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với UBND thị trấn Thuận An kiểm tra, xác minh thực tế xác nhận 19 hộ kinh doanh ăn uống, giải khát chỉ cách bãi tắm Thuận An 1 con đường, thực tế chủ yếu phục vụ khách du lịch tắm biển nên có ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển để đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo kịp thời chi trả thiệt hại cho người dân trong đợt 2.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang cho biết: “Để giải quyết cơ bản khối lượng đơn thư nói trên, suốt nhiều tháng cả hệ thống chính trị ở Phú Vang vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức nhiều cuộc họp triển khai, quán triệt, hướng dẫn, thẩm định… để xác định đối tượng nhằm chi trả đúng người thực sự bị thiệt hại”.

Đến nay, công tác đền bù sự cố môi trường biển đợt 1 ở Phú Vang  cơ bản hoàn thành; tình hình khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản ở địa phương đang trên đà ổn định trở lại. Mọi công tác chuẩn bị chi trả đợt 2 đã sẵn sàng. Có được kết quả này là nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng từ huyện đến các xã, thị trấn từng bước giải quyết các vấn đề.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN