- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Pháp luật lao động không quy định người lao động (NLĐ) nữ sau hai năm làm việc mới được kết hôn và có con. Tuy nhiên, trong thực tế, một số doanh nghiệp tự đặt ra quy địnhnhư vậy và trở thành thông lệ khá phổ biến. Pháp luật không cấm doanh nghiệp đặt ra những quy định nội bộ, nhưng những quy định này không được trái pháp luật. Nếu có thỏa ước lao động thì cũng không được trái với thỏa ước và không được xâm hại quyền lợi của bên thứ ba, lợi ích của Nhà nước. Với trường hợp cụ thể bạn nêu, nội dung mà công ty buộc bạn phải cam kết là trái với pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bởi, quyền kết hôn và sinh con là một trong những quyền cơ bản của công dân, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở và người phụ nữ có quyền sinh con trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân (các điều 9 và 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Do đó, về nguyên tắc, nếu có tranh chấp xảy ra thì không thể lấy bản cam kết đó làm căn cứ, vì nội dung của cam kết là vô hiệu.

Bộ luật Lao động (BLLĐ) dành một chương quy định riêng đối với NLĐ nữ, được quy định chi tiết tại Nghị định số 23/CP ngày 18-4-1996 của Chính phủ. Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ vì lý do: kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (khoản 3, điều 39 và khoản 3, điều 111, chương X BLLĐ) và cấm NSDLĐ ban hành quy định không có lợi hơn những quy định của pháp luật cho NLĐ nữ (điều 9 Nghị định số 23/CP nói trên).
 
Từ những quy định mà chúng tôi viện dẫn, nếu bạn đã cam kết nhưng trong thời gian hai năm đầu làm việc, bạn vẫn kết hôn và sinh con thì công ty không thể dựa vào cam kết nói trên để chấm dứt HĐLĐ với bạn. Nếu doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn khi bạn kết hôn, sinh con thì vi phạm nghiêm trọng BLLĐ. Theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 13 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 6-5-2010 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, nếu NSDLĐ sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ vì lý do: kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động) thì bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
 
Bùi Vĩnh (ghi)