"Tiếng hát ca nhi" của Lê Minh Phong

“Thật giả” của Hoàng Thanh Phong, “Tiếng hát ca nhi” của Lê Minh Phong, “Lam lũ” của Lê Ngân Thủy, “Biến thể” của Nguyễn Công Trạng, “Thơ ngây” của Vũ Duy Tâm, “Tình mẫu tử” của Phan Thị Na, “Ngộ” của Võ Thị Huyền My… mỗi tác phẩm là một lát cắt sinh động trong phòng tranh triển lãm Mỹ thuật trẻ lần 2 năm nay. Tất cả các tác giả đều ở độ tuổi dưới 40 – mức tuổi sung mãn trong sáng tạo nghệ thuật.

Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu,  không gian triển lãm là một phòng tranh đẹp, có nhiều trữ lượng thông điệp gửi đến cho công chúng và tạo ra những cái nhìn mới về nghệ thuật. Cái mới ấy thể hiện ở chỗ, mọi sự tìm tòi không còn bị hạn chế bởi hình thức đã có mà vượt sang những lãnh địa khác trong cảm xúc và khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống; nhiều họa sĩ trẻ đã khai thác tính triết lý trong đời sống và thể hiện bằng những thông điệp cụ thể trong tranh, giúp công chúng hiểu rõ hơn về tình người, tình đồng loại và nhiều giá trị nhân văn khác... là thành công của triển lãm này.

Sẽ thật khó để “đọc” hết được những thông điệp mà các các giả đã thể hiện trong tác phẩm qua nghệ thuật hội họa, đồ họa, kiến trúc, điêu khắc, video clip, sắp đặt… Tuy nhiên, tôi đã dừng lại rất lâu trước “Tiếng hát ca nhi” của Lê Minh Phong và cảm nhận sự đồng điệu dịu dàng với chú chim nhỏ trong bức tranh sơn dầu có khổ hơi lớn đó (100 x 160). Đâu đó, tôi từng đọc về Lê Minh Phong thế này: “ Tôi thường chộp bắt những tiếng kêu từ hồi ức thơ ấu rồi bày lên toan. Một quá khứ đau thương, một tuổi thơ rách nát sẽ cho chúng ta nhiều thứ để sống với hiện tại và thôi thúc những âm mưu dự phóng. Những ám ảnh ấy được lưu giữ trong tiềm thức, qua ngày tháng, chúng đã trở thành một nguồn năng lượng trong tôi. Và rồi tôi đã vẽ ra những ám ảnh ấy. Những ám ảnh về cái chết và sự hữu hạn của thân phận. Chạm vào cái chết cũng là một cách để biết rõ hơn ý nghĩa của sự sống”. Bỗng dưng, tôi nhìn thấy dáng nằm của chú chim nhỏ ấy không như đã chết, mà chỉ là một khoảnh khắc ngưng nghỉ nào đó. Rồi lại nghĩ, ngay cả khi đó thực sự là khoảnh khắc kết thúc sự sống – sự kết thúc giữa bàn tay nâng niu đầy yêu thương của những người phụ nữ cũng là một hạnh phúc, là một niềm mơ. Ấy là cái đẹp.

“Biến thể” của họa sĩ Nguyễn Công Trạng (chất liệu acrylic) cũng là một trong số những tác phẩm thu hút được nhiều sự chú ý. Đây là tác phẩm được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế năm nay và giải thưởng của Công ty Dịch vụ và Du lịch Huế Art. “Biến thể” lấy ý tưởng từ sự kiện biển miền Trung bị ô nhiễm, trong đó tác giả khai thác hình tượng - chỉ khác, qua cách nhìn của Nguyễn Công Tráng, con cá cũng cần mẹ Thiên nhiên như con người – Đó là thông điệp của họa sĩ trẻ.

Bố cục hình đẹp, khuôn mặt bé gái xinh xắn nhưng đau đáu trong đôi mắt trẻ thơ ấy là nỗi ưu phiền đầy thương cảm của nhân vật trong “Thơ ngây”… cũng là cách mà họa sĩ Vũ Duy Tâm đã lay động được sự ẩn uất trong lòng người xem. Tác phẩm được trao giải của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế 2017. PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cảm nhận: “Các tác phẩm thể hiện được rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống và cho thấy giới trẻ đang quan tâm đến nhiều vấn đề khác nhau; trong đó, có những vấn đề mà có thể rất nhiều họa sĩ cao tuổi hơn không quan tâm. Họ soi vào được những vấn đề nóng bỏng của xã hội và dám nói những điều rất căn bản trong nội tâm, hướng nghĩ của giới trẻ đương đại. Đó là điều góp phần làm nên thành công của triển lãm lần này”.

ĐỒNG VĂN