Giáo sư về trí tuệ nhân tạo Kerstin Dautenhahn, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, người máy Kaspar, kích thước bằng một đứa trẻ, có thể thực hiện được những hành động cơ bản như mỉm cười, hát, ăn uống, chơi trống, chải tóc... và những kỹ năng giao tiếp khác với trẻ nhỏ.

Đặc biệt, robot biết phản ứng lại, biểu thị cảm xúc như vui buồn, lo lắng, dỗi hờn như một đứa trẻ bình thường.

Một bé gái tự kỷ vui vẻ chơi đùa của robot Kaspar. Ảnh: AP
Người máy thông minh Kaspar được thử nghiệm tương tác với khoảng 170 trẻ tự kỷ tại các trường học và bệnh viện trong suốt 10 năm qua và kết quả thu được rất tích cực. 

Nhóm nghiên cứu hy vọng robot Kaspar sẽ giúp những em bé bị tự kỷ phát triển kỹ năng chơi, tăng khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội. Nếu nghiên cứu được công nhận, người máy Kaspar sẽ được đưa vào làm việc tại tất cả các bệnh viện trên khắp nước Anh.

Giới khoa học Anh đánh giá, robot Kaspar được xem là một trong những tiến bộ công nghệ vượt trội có khả năng tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc hỗ trợ người mắc hội chứng tự kỷ, đặc biệt là trẻ em.

Nghiên cứu về robot Kaspar là một phần của dự án IROMEC được Liên Minh Châu Âu tài trợ, trị giá 3,22 triệu Euro có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về máy tính, robot, các nhà tâm lí, sư phạm của nhiều nước châu Âu như Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Italy.../.

Theo VOV