Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn biên giới Jarabulus, Syria ngày 2/9/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo ông Mistura, người đóng vai trò trung gian trong cuộc hòa giải diễn ra từ ngày 24/3, mặc dù các bên nhất trí về 4 vấn đề quan trọng, bao gồm quản lý đất nước, hiến pháp, bầu cử và chống khủng bố, song vẫn còn quá nhiều thách thức và những vấn đề vừa được nhất trí cũng chưa thể phát triển thành một thỏa thuận ngừng bắn.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Mistura khẳng định trên thực tế các bên không đạt được bước đột phá nào ngoài việc chạm đến một số khía cạnh của những vấn đề trên.
Trong khi đó, đề cập đến kết quả của cuộc hòa đàm về Syria, ngày 31/3, Đại sứ Syria tại LHQ, đồng thời là trưởng phái đoàn chính phủ tham gia hòa đàm tại Geneva, ông Bashar al-Jaafari cho rằng 8 ngày hòa đàm tại Geneva đã không mang lại bất cứ tiến bộ cụ thể nào.
Phe đối lập tuyên bố có sự cải thiện “tương đối” trong đàm phán, song Damascus vẫn cho rằng vấn đề đang bị tắc nghẽn.
Phát biểu sau cuộc họp cuối cùng với Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura, ông al-Jaafari nói: "Chúng tôi tìm kiếm bước đột phá nhưng điều này đã không xảy ra."
Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông al-Jaafari bị phe đối lập cáo buộc rằng chỉ muốn đề cập tới cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trước đó, người đứng đầu phái đoàn Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện lực lượng đối lập chính của Syria, ông Nasser al-Harari đã chỉ trích chính phủ "từ chối thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị." Nhân vật này đổ lỗi thất bại của hòa đàm cho phía Chính phủ Syria.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, tất cả các bên tham gia đàm phán đều sẵn sàng trở lại Geneva cho vòng đàm phán thứ 6.
Theo ông Mistura, thời gian cụ thể sẽ được công bố sau cuộc thảo luận giữa ông với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra vào tuần sau./.
Theo Vietnam+