Người dân Somalia xếp hàng chờ nhận viên trợ lương thực. Ảnh: AP

Theo ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO), chi phí về nhân lực và tài nguyên sẽ tăng lên nếu để tình hình xấu đi. Ông nói thêm: "Chúng ta có thể ngăn chặn số người chết vì nạn đói, nhưng nếu chúng ta không tăng cường nỗ lực tiết kiệm, bảo vệ và đầu tư vào sinh kế cho người dân ở nông thôn, thì hàng chục triệu người sẽ vẫn bị đe dọa nghiêm trọng về lương thực".

Các cuộc xung đột dân sự được cho là yếu tố dẫn tới 9/10 cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất, nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa hòa bình và an ninh lương thực.

"Nạn đói làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, tạo ra sự bất ổn và mất an ninh. Thách thức đối với an ninh lương thực ngày nay cũng chính là thách thức an ninh của ngày mai", ông Ertharin Cousin, Giám đốc Điều hành của WFP nói. "Đó là một cuộc chạy đua với thời gian - thế giới phải hành động ngay bây giờ để cứu sinh mạng và sinh kế của hàng triệu người đang bên bờ vực của nạn đói."

Neven Mimica, uỷ viên về hợp tác và phát triển quốc tế của EU, lưu ý rằng vào năm 2016, EU đã cấp 550 triệu euro cho dự án này. Tiếp theo sau đó là thêm 165 triệu euro vừa được huy động để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi nạn đói và hạn hán ở khu vực Sừng Châu Phi.

Năm nay, nhu cầu viện trợ nhân đạo sẽ tăng lên khi 4 nước Nam Sudan, Somalia, Yemen và đông bắc Nigeria có nguy cơ đối mặt với nạn đói.

Malawi, Zimbabwe, Iraq và Syria là những nước có nhu cầu cần được hỗ trợ rất lớn vì tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng (bao gồm cả người tị nạn ở các nước láng giềng). Theo báo cáo mới đây, nếu không có hành động ngay lập tức và thực tế, tình hình an ninh lương thực ở các nước này sẽ tiếp tục xấu đi trong những tháng tới.

Bảo Nghi (Lược dịch từ UN)