Thứ nhất là: Công tác chuẩn bị văn bản hội nghị phải được cấp uỷ tập trung lãnh đạo, và thực hiện nghiêm túc, sát đúng yêu cầu của TW. Nội dung báo cáo kiểm điểm phải bám sát 3 vấn đề cấp bách đã được xác định trong NQTW 4 và gợi mở của Đảng uỷ cấp trên (nếu có). Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp uỷ trong nghiên cứu và chuẩn bị các văn bản dự thảo trình cấp uỷ thảo luận đóng góp bổ sung trước khi triển khai tại hội nghị Đảng uỷ, chi bộ.

Thứ hai là: Hướng dẫn, đốc thúc, kiểm tra các cá nhân cấp ủy viên (CUV), đảng viên chuẩn bị chu đáo, chất lượng bản tự kiểm điểm của mình. Nếu cấp uỷ có nội dung gợi ý được cho tất cả các cá nhân thì rất tốt. Đối với cấp uỷ và từng cá nhân (tập trung nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt) phải đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ được giao để kiểm điểm, liên hệ làm rõ khuyết điểm, hạn chế. Bản kiểm điểm của tập thể và cá nhân phải được chuẩn bị nghiêm túc, tự giác, trung thực nhận khuyết điểm và phải xác định rõ biện pháp sửa chữa với thái độ nghiêm túc, cầu thị; quy định thời gian viết, nộp trước cho cấp uỷ để cấp uỷ hoặc đồng chí bí thư kiểm tra trước, nếu cá nhân nào viết chưa đạt yêu cầu thì buộc phải viết lại.

Thứ ba là: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức quần chúng tổ chức hội nghị đóng góp phê bình cho tập thể cấp uỷ và từng cá nhân chu đáo. Tập hợp trung thực các ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng và các tổ chức, cá nhân được xin ý kiến đóng góp. Bí thư phải nghiên cứu, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình tại hội nghị của cấp uỷ và tổ chức Đảng.

Thứ tư là: Trong quá trình hội nghị, vai trò điều hành của người chủ toạ (Bí thư cấp uỷ) có tính chất quyết định cho tinh thần và chất lượng tham gia ý kiến đóng góp của các cá nhân. Vì vậy, phải quán triệt, cổ vũ, động viên họ phát huy cao vai trò, trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước mục đích, yêu cầu đạt được của hội nghị; nêu cao tính đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình để tích cực tham gia được nhiều ý kiến đóng góp cho tập thể và cho đồng chí mình với tinh thần chân thành, thẳng thắn, trung thực, khách quan, cởi mở, chan hoà nhằm giúp đỡ đồng chí mình thấy hết được những mặt còn hạn chế, khuyết điểm mà sớm khắc phục, sửa chữa để hoàn thiện mình hơn. Phải phân tích cho họ thấy rõ được mục tiêu của đợt sinh hoạt chính trị lần này là nhằm củng cố xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên chứ không phải kiểm điểm để kỷ luật, để họ nói thẳng, nói hết; khắc phục tình trạng e dè nể nang, né tránh khuyết điểm hoặc ngại phê bình. Người chủ trì hội nghị nên quy định, gợi mở, và kiên quyết duy trì việc tham gia phát biểu góp ý, đối với cá nhân, phải có ít nhất 2 đến 3 ý kiến tham gia (nhất là các cán bộ chủ chốt) thì mới chuyển sang đồng chí khác, có như vậy hội nghị mới đảm bảo có chất lượng; trường hợp có nhiều ý kiến tham gia, thì cũng không nên gò ép về thời gian như kế hoạch đã đề ra, có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Khi hết ý kiến tham gia thảo luận đối với tập thể và từng cá nhân thì chủ toạ đều phải có kết luận cụ thể, khách quan, chính xác và đặt ra được những nội dung yêu cầu bắt buộc đối với tập thể và cá nhân về các nội dung phải tiếp thu, sửa đổi cấp bách trong thời gian tới.

Thứ năm là: Ngay sau hội nghị, cấp uỷ phải đôn đốc và kiểm tra việc viết lại bản kiểm điểm, chú trọng là phần tiếp thu, giải trình, phương hướng, biện pháp khắc phục của tập thể và từng cá nhân đã được các tổ chức quần chúng và hội nghị góp ý…

Nếu các cấp uỷ bám sát nội dung, hướng dẫn, chuẩn bị và tiến hành tốt hội nghị theo đúng hướng dẫn, quy trình, kết hợp với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo thì chắc chắn chất lượng hội nghị và việc triển khai thực hiện sau hội nghị sẽ đạt kết quả cao. 

Sau hội nghị, cấp uỷ các cấp phải quan tâm, chú trọng đôn đốc, kiểm tra quá trình chấp hành triển khai thực hiện đối với các tập thể và từng cá nhân thì chắc chắn rằng NQTW 4 (khóa XI) sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và thiết thực, đáp ứng mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Mai Trí