“Rác tiêu hủy tại chỗ thì không xử lý được mà vận chuyển đến bãi rác thì kinh phí rất lớn. Trong khi đó, phí thu từ người dân hãy còn quá thấp, nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ cũng chỉ có mức độ”, ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư huyện Phú Vang tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề. Cũng tại diễn đàn của HĐND tỉnh, ông Hoàng Trọng Thuận cho hay: hiện cả tỉnh chỉ có 3 bãi rác được đầu tư với quy mô, tiêu chuẩn phù hợp là Thủy Phương (Hương Thủy), Lộc Thủy (Phú Lộc), Phong Thu 1 (Phong Điền) nhưng chỉ có bãi rác Thủy Phương và Lộc Thủy theo đúng quy trình và hợp vệ sinh. Còn lại ở hầu hết các huyện, khâu xử lý rác sinh hoạt đều không đảm bảo yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường và là điều kiện rất khó khăn để thực hiện giải pháp xử lý rác tập trung. Đây cũng là một thực tế khi để đầu tư một bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, bao gồm bãi chôn lấp, hồ xử lý, nhà điều hành, phương tiện... cần từ 40 đến 50 tỷ đồng.

Chúng tôi đề cập những điều trên để thấy rằng, hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt ở vùng nông thôn và cả ở các đô thị mới hiện nay là điều còn quá nhiều bất cập, đang phụ thuộc phần lớn vào ý thức người dân, việc tuyên truyền, nhắc nhở và cả sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhưng sự hỗ trợ này cũng đang có những giới hạn nhất định. Những nỗ lực ở nơi này, nơi kia là điều đáng ghi nhận, song cũng phải thừa nhận một thực tế, sự lành, sạch của môi trường đang bị rác ‘nhũng nhiễu”...
 
Chưa thể gọi là nhiều, song việc đưa ra bàn định, thảo luận việc phân định các nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VI đã cho thấy sự quan tâm với nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu. Bên cạnh các điều khoản được quy định cho nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường cấp tỉnh, đã có nhiều điều khoản cụ thể hơn cho nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường cấp huyện, thành phố, thị xã. Điều cơ bản mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là, đối với các xã, phường, thị trấn, nhiều điều khoản sẽ được quy định cụ thể hơn, không chỉ trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải ở địa bàn do địa phương quản lý... mà còn là các điều khoản cụ thể về quản lý các công trình vệ sinh công cộng, hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu, thu gom vận chuyển, tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt. Quan trọng hơn, đó là quy định về việc hỗ trợ hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp xã.
 
Đây sẽ là những điều kiện để góp phần giải quyết tình trạng lúng túng, bị động, sử dụng chưa đúng mục đích kinh phí bảo vệ môi trường dẫn đến hiệu quả bảo vệ môi trường chưa hiệu quả đang tồn tại lâu nay ở cơ sở.
Hạnh Nhi