TS. Phan Thanh Hải

Mở cửa tham quan Đại Nội về đêm chưa đặt nặng vấn đề kinh tế, mà quan trọng hơn cả là hy vọng sẽ thành công trong việc tạo thêm một điểm mới cho du lịch Cố đô. Ban đầu, chúng tôi định mở từ 22/4 đến khoảng giữa tháng 9, quãng thời gian Huế có thời tiết thuận lợi nhưng sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý, chương trình này có thể kéo dài hết năm.

Đại Nội về đêm từng mở cửa đón khách trong các kỳ Festival Huế, nhưng hiệu quả kinh tế và tính bền vững chưa cao. Cơ sở nào để trung tâm tiếp tục thực hiện chương trình mới này?

Lượng du khách đến Huế đang tăng với tốc độ rất nhanh. Năm 2016, toàn tỉnh có 3 triệu lượt khách đến thăm thì riêng các điểm tham quan thuộc quần thể di tích Huế đón 2,7 triệu lượt khách. Ngoài hoạt động ca Huế trên sông Hương, du khách đến Huế đang rất thiếu các chương trình tham quan, khám phá về đêm. Chúng tôi cũng nhận được sự phản hồi rất nhiều từ du khách và các đơn vị lữ hành về nhu cầu tham quan Hoàng cung Huế về đêm. Đại Nội không chỉ có lợi thế ở trung tâm thành phố mà còn hội tụ đủ các yếu tố về không gian, loại hình kiến trúc và đủ hàm lượng văn hóa, xứng đáng là điểm đến để du khách dành thời gian tham quan, khám phá.

Về chương trình, tham quan Đại Nội đêm và ngày sẽ có sự khác biệt như thế nào?

TS. Phan Thanh Hải: Đây là nội dung chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm khi quảng bá chương trình tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đại Nội về đêm có những ưu thế riêng. Chúng tôi sẽ lợi dụng bóng tối để sử dụng ánh sáng có chủ ý tạo nên độ lung linh của Hoàng cung và lồng ghép vào đó những câu chuyện lịch sử sống động. Các chương trình nghệ thuật cũng được tổ chức nhiều hơn, nội dung phong phú hơn và bố trí ở nhiều không gian khác nhau.

Đại Nội sẽ đón khách về đêm từ ngày 22/4. Ảnh: Bảo Minh

Ở phủ Nội vụ, chúng tôi tổ chức không gian trải nghiệm các ngành nghề thủ công truyền thống. Tại đây, du khách có thể trực tiếp tham gia làm nghề hoặc mua các sản phẩm lưu niệm thủ công đặc trưng của Huế. Chương trình nghệ thuật tuồng “Bát tiên hiến thọ” tại cung Trường Sanh cũng là một điểm nhấn hấp dẫn trong chương trình tham quan Đại Nội về đêm. Cung Trường Sanh ở góc tây bắc Hoàng thành, phía sau cung Diên Thọ, kiểu thức như một hoa viên, là nơi các vua Nguyễn thường mời mẹ mình đến thăm thú. Cuối triều Nguyễn, cung là nơi sinh hoạt của một số bà thái hoàng thái hậu và hoàng thái hậu. Tuy nhiên, trong chương trình tham quan ban ngày, các tour du lịch hầu như rất ít quan tâm đến điểm di tích này.

Ông có nhắc đến việc "lợi dụng" bóng tối và ánh sáng, vậy Đại Nội về đêm sẽ được bố trí như thế nào để vừa đảm bảo tính nghệ thuật, vừa đảm bảo an toàn cho du khách?

TS. Phan Thanh Hải: Chắc chắn hệ thống ánh sáng tối thiểu phải đủ để du khách không bị vấp, té ngã và có các tín hiệu dẫn đường. Đảm bảo mỹ quan cho du khách tham quan ban ngày, các dàn đèn, dây điện… cũng được bố trí hợp lý, không gây phản cảm. Đây là vấn đề rất khó và chúng tôi đã có yêu cầu rất cao với đơn vị thiết kế, thi công phần việc này. Hơn nữa, ánh sáng được sử dụng có chủ ý nên cũng phải đảm bảo tính nghệ thuật. Chúng tôi cùng đơn vị thi công cam kết, Đại Nội sẽ có một không gian ánh sáng khác hẳn để đón du khách trải nghiệm về đêm. Còn cụ thể như thế nào thì xin phép được giữ bí mật đến phút chót (cười...).

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn ở mọi không gian cho du khách, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị công an trên địa bàn. Vấn đề đáng lo nhất là đảm bảo an toàn cho cổ vật và các công trình trong Đại Nội. Đến nay, chúng tôi cũng đã có các phương án riêng cho nhiệm vụ này. Xin nói thêm, chúng tôi xác định thực hiện chương trình này, trung tâm không thêm người mà chỉ tạo thêm việc. Nguồn nhân lực hiện có phải đáp ứng được yêu cầu công việc hiện tại. Đó cũng là cách chúng tôi nỗ lực để đổi mới.

Tham quan Đại Nội về đêm, du khách có những cơ hội gì để tương tác với điểm đến?

TS. Phan Thanh Hải: Ở sản phẩm mới này, chúng tôi cố gắng tăng tính tương tác giữa hoạt động trải nghiệm và du khách, như: các trò chơi cung đình, các chương trình biểu diễn và trình diễn cách làm nghề thủ công truyền thống… Chúng tôi sẽ cố gắng để các hoạt động tương tác ngày càng hoàn thiện và trong tương lai gần, sự tương tác ấy sẽ được tăng cường qua trải nghiệm không gian thực tại ảo.

“Thực tại ảo”- Khái niệm này có vẻ còn lạ với công chúng và du khách đến Huế?

TS. Phan Thanh Hải: Đúng thế. Xin được phép chưa cung cấp chi tiết, nhưng tổng thể UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho một công ty Hàn Quốc phối hợp với chúng tôi xây dựng chương trình trải nghiệm không gian thực tại ảo theo công nghệ 4D. Theo đó, sẽ scan lại toàn bộ các công trình kiến trúc trong Đại Nội, kết hợp cứ liệu lịch sử, xây dựng thành những câu chuyện lịch sử và tạo ra không gian mà khi đeo kính chuyên dụng vào thì dù trong thực tế một công trình chỉ còn nền móng, nhưng du khách vẫn thấy trước mắt là một công trình hoàn chỉnh và có thể trực tiếp tương tác với kiến trúc ấy. Đây là một trong những công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới mà người ta mới chỉ triển khai ở Trung Quốc, Hàn Quốc và sắp đến là Huế. Chúng tôi đang thực hiện dự án đó với chủ đề câu chuyện được xây dựng là “Đi tìm Hoàng cung đã mất” và cố gắng để cuối năm 2017, dự án sẽ hoàn thành.

Ngày chính thức mở cửa Đại Nội về đêm đang đến rất gần, điều ông còn trăn trở nhất lúc này là gì?

TS. Phan Thanh Hải: Để chương trình mở cửa tham quan Đại Nội về đêm thành công và trở thành sản phẩm du lịch bền vững, riêng có của Cố đô Huế, chỉ Trung tâm nỗ lực thì không đủ. Chúng tôi rất cần sự đồng hành của các ban, ngành trong tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở dịch vụ lưu trú. Nếu thành công với sản phẩm du lịch này thì Cố đô Huế là khu di sản duy nhất ở châu Á mở cửa đón khách thường xuyên.

Cũng xin nhấn mạnh rằng, chương trình mở cửa tham quan Đại Nội về đêm chỉ là sản phẩm đầu tiên mà chúng tôi nỗ lực muốn “biến” khu vực Đại Nội thành không gian du lịch mang bản sắc di sản văn hóa Việt. Sắp tới chúng tôi sẽ sắp xếp, đổi mới các hoạt động dịch vụ bên trong Đại Nội và nhiều điểm di tích khác, cũng như sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp địa phương, để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, các hoạt động dịch vụ mới tại khu di sản Huế.

Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi!

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN