Ông Ninh và đàn bò của mình

Cũng như nhiều ngư dân khác ở Phú Vang, sự cố môi trường biển xảy ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2016 khiến công việc khai thác của ông Ninh gặp nhiều khó khăn. Ông cố ra khơi nhiều lần, nhưng sản lượng đánh bắt không đáng kể đã đành, cá bắt được cũng không bán được, thậm chí mang cho nhiều người còn từ chối khéo. Tình thế buộc ông Ninh phải neo thuyền.

Nhà đông con, trong đó 5 người con đang còn đi học. Cuộc sống không cho phép ngư dân Huỳnh Văn Ninh được chần chừ. Ông bàn với vợ, trước mắt dựa vào khu vườn rộng hơn ngàn mét vuông sẵn có của gia đình, vợ chồng, con cái mỗi người một tay trồng trọt, chăn nuôi giải quyết khó khăn.

Ông vào Đà Nẵng học hỏi kinh nghiệm từ người họ hàng nhiều năm nay thành công nhờ chăn nuôi bò. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy việc chăn nuôi bò thả phù hợp với điều kiện của gia đình mình; phần thì rủi ro thấp, phần chi phí hàng ngày không cao, chủ yếu cần công chăn thả. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu lớn, thu nhập hàng ngày không có là những khó khăn phải tính đến từ công việc mới. Nhờ sự đồng lòng của cả gia đình, ông Ninh quyết định dốc toàn bộ tiền tích lũy bấy lâu nay, vay mượn thêm để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 10 con bò giống hết hơn 150 triệu đồng.

Để chồng yên tâm theo nghề mới, bà Nguyễn Thị Thuận, vợ ông Ninh động viên: “Rủi ro là rủi ro chung, bà con ai cũng vượt qua được không lẽ mình thua họ. Không có cá để bán thì trồng rau mà bán, được chừng mô hay chừng nớ”. Để chồng không bận tâm vấn đề chi tiêu hàng ngày, bà Thuận cùng các con khoanh vùng, dựa vào lợi thế địa phương để khai thác, chỗ rào làm chuồng gà, chỗ làm giàn mướp, chỗ trồng rau…

Cứ thế, họ không chỉ giảm được tiền chợ hàng ngày, thi thoảng lại có đồng ra đồng vào, bà Thuận cười, khoe: “Tết ni, thu hoạch vụ mướp đắng đầu tiên không nhiều nhưng cũng giúp gia đình tui trang trải bớt nợ nần. Mấy đứa con tui hắn tính vụ tới làm thêm cái giàn nữa để trồng bí đao. Chỉ sợ không có sức, chứ việc thì ở đây không thiếu”.

Khi nghe chúng tôi hỏi: Ngoài việc chăm bò, ông Ninh có giúp đỡ việc chăn nuôi trồng trọt không? Cả nhà cùng cười. Cậu con trai thứ ba Huỳnh Văn Thọ đang học lớp 12 Trường THPT Vinh Xuân nói vội: “Chừ ba chỉ biết có mấy con bò thôi. Trời mưa cũng mang tơi mang ủng lùa bò ra đồng chứ sợ ở nhà bò ăn không đủ no”.

Mới năm trước đang là ngư dân nổi tiếng vì biết nhiều nghề biển, thế mà giờ đây người dân Vinh Thanh đã quen gọi ông bằng cái tên quen thuộc “ông Ninh bò”. Nói về  công việc mới, ông Ninh cười mỹ mãn: “Đàn bò của tui đã đẻ được 5 con rồi. Mạ hắn với mấy đứa nhỏ chấp nhận chịu cực thời gian nữa để tui tiếp tục phát triển thêm số lượng cái đã rồi từ từ mới tính đến lợi nhuận. Nói chi thì nói chứ nhìn lại chừ giá trị cũng gần gấp đôi đầu tư ban đầu rồi”.

Ông Ninh đưa chúng tôi ra đồng, nơi đàn bò của ông đang tìm cỏ. Chỉ tay quanh cánh đồng, ông Ninh nói nhiều về những điều ông được khám phá hàng ngày khi nuôi bò, nào mùa đông sen ngủ, mùa xuân hương lúa ngào ngạt giúp ông quên đi vị mặn của gió biển; nhìn đàn cá đồng bơi trong ruộng sen cũng thú vị như khi kéo được mẻ lưới đầy cá biển …Một năm qua, trừ những ngày mưa bão thật to ông mới chịu ở nhà, còn lại dù mưa hay nắng cũng đưa bò ra đồng. Bò thì no cỏ, ông thì no nê hít thở không khí trong lành cùng những cảm giác thăng hoa khi khám phá trời đất.

Lần chi trả đền bù sự cố môi trường biển đợt 1 gia đình ông Ninh nhận được 45 triệu đồng, nhờ đó ông trả bớt nợ đầu tư mua bò. Đến nay, nợ nần cũng giảm nhiều, ông dự định nhận tiền đền bù đợt 2 sẽ mua thêm vài con bò giống.

Từ một ngư dân, ông Huỳnh Văn Ninh nhanh chóng tìm được niềm đam mê trong việc mới. Những thành công ban đầu cùng nhiệt huyết ngày càng dâng cao cho thấy ước mơ trở thành chủ trang trại bò của ông chỉ là vấn đề thời gian.

Bài, ảnh; HƯƠNG LAN