Du khách chọn mua quà lưu niệm khi tham quan Huế. Ảnh: Đức Quang

Chợt nhớ tới Huế mình. Tháng ba này, anh bạn từ Đà Lạt về Huế chơi kéo theo cả một nhóm bạn lần đầu đến Huế. Mới gặp nhau, đã có người nhờ vả, anh giới thiệu cho nơi bán tré và trà cung đình ngon nhất Huế. Tôi lúng túng, chợt nhớ tới cô giáo hồi phổ thông sành sỏi chuyện này, vậy là giải quyết được cái món tré. Bạn vừa trở vào Đà Lạt đã có ngay điện thoại cám ơn, quá tuyệt cú mèo. Còn món trà cung đình, tôi chỉ ậm ờ cho xong chuyện bởi biết rằng, đó chỉ là món ăn theo hai chữ “cung đình” mà thôi.

Lâu nay nghe bao người ca thán về thứ “gói mang về” của Huế nên tôi cũng thử làm một điều tra nhỏ. Quà lưu niệm Huế không thiếu, nếu không muốn nói là phong phú. Một công trình nghiên cứu mới đây của ông Trương Tiến Dũng ở Trường đại học Ngoại ngữ Huế cho thấy, Huế có tới 8 sản phẩm lưu niệm đặc trưng, lần lượt là: áo dài, diều, đèn lồng, hoa sen giấy, nghệ thuật trúc chỉ, nón bài thơ, pháp lam và tranh thêu XQ. Đó là chưa kể tới các món ăn có thể “gói mang về” kiểu như tré, mà tính ra Huế có tới hàng chục thứ ngon và lạ, không nơi nào có được. Cái khó là quá nhiều, nhưng không có cái nổi trội, thành hàng hóa nên sản phẩm du lịch mà nhất là quà lưu niệm Huế nhìn tới nhìn lui xem ra chẳng có thứ gì.

Tôi nhớ cách nay 30 năm, anh bạn cùng lớp đi du học Nga mang về tặng con lật đật Petrushka. Lần đầu tiên thấy nó lạ nên thích lắm. Từ đó đến nay tôi nhận được rất nhiều lần món quà Nga này. So với con lật đật lần đầu tiên tôi thấy, nó cũng được làm theo nguyên tắc chung. Thế nhưng, càng về sau càng thấy tinh tế, có nhiều biến đổi với nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng nhìn vào là nhận ra ngay con lật đật Petrushka kia.            

Du lịch Huế cần nhiều quà lưu niệm thế này. Ảnh: Đức Quang

Những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về biểu trưng du lịch và quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa Huế. Cũng đã chọn được những tác phẩm được giải, thế nhưng rồi thực tế vẫn là một than vãn buồn, là câu chuyện khác. Biết bao khách du lịch đến Huế đã thất vọng khi muốn tìm mua quà lưu niệm. Ngay cả các hướng dẫn viên du lịch cũng thường lúng túng khi được du khách hỏi về vấn đề này, vì không biết nên giới thiệu thứ gì. Hãy thử làm một vòng tham quan mới hay, Huế đâu thiếu quà. Thế nhưng, nhiều nhất vẫn là các thứ quà lưu niệm từ mọi miền đất nước hội tụ về, thậm chí là các thứ quà Tây, quà Tàu mới nhìn đã lóa mắt. Cũng có không ít quà Huế được làm từ nguyên liệu ngoại nhập hay được sản xuất từ các nơi khác đưa tới. Nó thật đáng để suy nghĩ khi Huế được mệnh danh là một trong những nơi có nhiều làng nghề nhất nước.

Xung quanh câu chuyện về quà Huế, đúng là đang có nhiều áp lực. Thế nhưng, dễ dàng nhận ra là Huế ta vẫn thiếu một cách làm bài bản để tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng, trong đó có quà lưu niệm. Mới đây đọc một khóa luận bàn về phát triển sản phẩm du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy tác giả có những đề xuất hay và thiết nghĩ, có thể áp dụng cho Huế. Đó là, quà lưu niệm phải là sản phẩm phải phản ánh được nét văn hóa đặc trưng của địa phương; trên sản phẩm phải có dòng chữ khắc tên địa danh thật tinh tế để giúp du khách lưu giữ sản phẩm và nhớ đến nơi mà họ đến; mẫu mã, chất liệu, màu sắc... phải đảm bảo không thay đổi hay biến dạng. Tuyệt đối không làm hàng giả, hàng nhái. Sản phẩm cần dễ cầm, dễ mang, dễ đóng gói, vận chuyển và bảo quản để tiện mang đi. Nó còn phải thân thiện với môi trường và an toàn đối với sức khoẻ của con người, giá cả bán từng mặt hàng có quy định rõ, xử phạt nặng nếu làm sai quy định.

Cũng tương tự người Nga với con lật đật Petrushka. Những ai từng đi du lịch các nước trong khu vực đều nhận thấy quà lưu niệm của họ độc đáo, phong phú và đa dạng. Singapore có những món quà mang biểu tượng nhân sư Merlion, Malaysia có tháp đôi, Thái Lan có voi, Trung Quốc có sân vận động tổ chim hay Vạn Lý Trường Thành, Campuchia có Angkor Wat… Đến Singapore, không ai có thể bỏ quên tượng nhân sư Merlion (sư tử biển), thu hút hơn 1 triệu khách du lịch mỗi năm. Đó được xem là biểu tượng của thành phố (và cũng là của quốc gia) này. Tên gọi Singapore (Singapura) được giải thích có nghĩa là thành phố (Pura) và sư tử (Singa). Điều đáng nói là, hình ảnh về tượng nhân sư Merlion được những người làm du lịch ở Singapore khai thác triệt để trong việc làm ra các sản phẩm du lịch, ngay cả trong các loại quà rẻ tiền như chiếc móc khóa hay cái bật lửa… đặc biệt thu hút du khách.

Huế có 3 hình ảnh mang tính biểu tượng không chỉ của riêng vùng đất mà còn mang tính quốc gia, đó là Ngọ Môn (quần thể di tích Cố đô Huế), tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ (văn hóa Phật giáo) và cầu Trường Tiền (dấu ấn giao lưu văn hóa phương Tây - Việt Nam). Cũng đã có nhiều quà lưu niệm Huế lấy cảm hứng từ những biểu tượng đó nhưng gần đây xem ra chưa có những sản phẩm cụ thể nổi bật, giàu tính sáng tạo, có khả năng sản xuất hàng loạt và thực sự hấp dẫn du khách. Không phải tìm kiếm đâu xa, muốn có quà “gói mang về” cho du khách đến Huế, hãy học tập cái cách người Singapore đã làm rất tốt với tượng nhân sư Merlion. Thiết nghĩ, trong khi loay hoay sáng tạo và sản xuất quà lưu niệm cho Huế, chúng ta cứ mải mê đi tìm những cái mới lạ khác mà quên đi những biểu tượng lớn, đã đóng đinh vào tâm thức bao thế hệ kia. Xin chớ bỏ rơi những món quà Huế như chiếc nón bài thơ, gói kẹo mè xững hay chiếc áo dài Huế, mà nên nghĩ cách làm hay, tạo ra sự hấp dẫn mới cho những món quà Huế từng một thời nổi tiếng đang gặp khó khăn này. Nó sẽ là những “gà mái đẻ trứng vàng” cho du lịch Huế.

Đan Duy