Hạ tầng đô thị A Lưới ngày càng khang trang

4 vệ tinh chiến lược

Đưa khách tham quan vùng quy hoạch mở rộng đô thị A Lưới, Bí thư Huyện ủy A Lưới  Hồ Xuân Trăng giới thiệu: Kéo dài về phía Nam bao gồm toàn bộ diện tích đất và dân số của các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Hồng Thượng và một phần của xã Phú Vinh, đô thị A Lưới mở rộng từ thị trấn A Lưới đến thị tứ A Co được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Trong vùng đô thị kéo dài có quy mô diện tích đất mở rộng 3.645,8 ha tại các đơn vị hành chính gồm thị trấn A Lưới hơn 1.059 ha; A Ngo hơn 863 ha; Sơn Thủy: hơn 1.322 ha; Hồng Thượng 360 ha và Phú Vinh 40 ha. Tổng quy mô dân số của đô thị mở rộng hơn 14.600 người…

Đề án phát triển đô thị A Lưới còn xác định xây dựng 4 vệ tinh chiến lược theo định hướng quy hoạch; trong đó, Hồng Vân là vệ tinh quan trọng. Đây là địa phương có công trình thuỷ điện A Lin và cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tai (S3), khu vực có điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và tiến đến quy hoạch phát triển công nghiệp trải dài trên địa bàn 2 xã Hồng Vân và Hồng Trung.

Vệ tinh thứ 2 kéo dài từ ngã ba Hương Lâm - Đông Sơn đến cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng (S10). Khu vực này gắn liền với tiềm năng của khu kinh tế cửa khẩu và định hướng phát triển cụm công nghiệp, làng nghề đang được huyện tiến hành quy hoạch.

Hồng Hạ và Hương Nguyên được xác định là khu vực cửa ngõ của đô thị A Lưới nối với Huế trên tuyến Quốc lộ 49A, nơi có nhà máy thuỷ điện A Lưới. Từ vị trí chiến lược đó, huyện tiến hành quy hoạch với quy mô từ 15-20 ha, định hướng phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, thương mại, góp phần chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động phi nông nghiệp trong khu vực.

Vệ tinh cuối cùng được quy hoạch gồm các xã Nhâm, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Bắc. Các địa phương này giàu tiềm năng về phát triển vùng sản xuất chuyên canh các loại cây trồng mang tính hàng hoá với quy mô lớn. Đây còn là khu vực thuộc vùng lòng hồ thuỷ điện A Lưới, nên có tiềm năng khai thác dịch vụ, du lịch sinh thái cho điểm vệ tinh thứ tư này.

Ông Hồ Xuân Trăng cho biết: “Đối với các dự án chỉnh trang đô thị, huyện A Lưới tiến hành gắn việc giải toả, quy hoạch phân bổ định canh định cư với việc khai khác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mỗi vệ tinh trong định hướng quy hoạch”.

Cụm vệ tinh cửa ngõ A Lưới (trong ảnh là xã Hương Nguyên) được quan tâm đầu tư xây dựng, quản lý theo quy hoạch    

Tạo sức lan tỏa

Sau khi có quy hoạch đô thị, huyện A Lưới tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện theo quy hoạch, phân công cụ thể đến từng ngành, địa bàn. Ở các xã Sơn Thủy, Hồng Thượng, Phú Vinh…, diện mạo đô thị đang phát triển từng ngày. Dọc hai bên đường từ trung tâm huyện lỵ đến các xã mọc lên nhiều công trình, ngôi nhà 2 - 3 tầng khang trang, nhiều tuyến đường liên xã được thảm nhựa.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Vinh giới thiệu với chúng tôi khu dịch vụ thương mại của xã. Bà cho biết, Đảng uỷ xã tập trung chỉ đạo phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại hình dịch vụ có thế mạnh, gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng bộ mặt đô thị trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình ở địa phương tham gia kinh doanh dịch vụ chiếm hơn 40%.

Cùng với các vùng phụ cận, quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, huyện A Lưới tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, bộ mặt thị trấn A Lưới đến thị tứ A Co phát triển nhanh. Các dịch vụ công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại tăng mạnh về số lượng và chất lượng dịch vụ.

Một số khu vực thuộc các xã A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thượng, Phú Vinh nằm trong địa bàn mở rộng đô thị A Lưới được chú trọng đầu tư, tác động tích cực trong việc phát triển thị trấn A Lưới, thị tứ A Co, tạo đà phát triển cho đô thị mới trong tương lai.

Ông Hồ Xuân Trăng cho biết thêm: Huyện đã xây dựng các phương án phát triển nhằm tạo sự kết nối hài hòa giữa thị trấn A Lưới hiện tại với khu vực A Co – Bốt Đỏ. Đồng thời, quy hoạch phân vùng chức năng như cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu dân cư, khu hành chính, di tích, văn hóa và các khu dịch vụ thương mại. Phấn đấu xây dựng đô thị A Lưới trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, lan toả đến các vệ tinh trên địa bàn, tác động và tạo đà cho các vệ tinh phát triển. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đô thị A Lưới mở rộng, trong năm 2017, các dự án được ưu tiên đầu tư là hệ thống hạ tầng xã hội, các khu thương mại dịch vụ, các cụm công nghiệp - TTCN gắn với các dự án khai thác du lịch của huyện A Lưới.

Trước mắt địa phương sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh và đa dạng hóa các loại hình du lịch. Tập trung hoàn thành xây dựng chợ Bốt Đỏ, nâng cấp mở rộng chợ trung tâm A Lưới và từng bước xây dựng các chợ xã, trung tâm cụm xã, xúc tiến kêu gọi đầu tư siêu thị tại thị trấn A Lưới. Tiếp tục nâng cao chất lượng các khách sạn, nhà hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trên địa bàn.

Ông Ngô Duy Hoàng, Giám đốc Ban Đầu tư - Xây dựng huyện A Lưới: Phát huy vai trò của cộng đồng

Trong giai đoạn 2016- 2020, huyện A Lưới đã chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy việc quản lý quy hoạch và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để thực hiện đề án mở rộng đô thị A Lưới. Quản lý quy hoạch đô thị có hai mục đích: Bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch, hạn chế tình trạng quy hoạch một đằng thực thi một nẻo; kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để kiến nghị, quyết định điều chỉnh quy hoạch. Lấy ý kiến cộng đồng là mội nội dung quan trọng trong các đồ án quy hoạch nói chung và thiết kế đô thị nói riêng. Vì mỗi dự án đều có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng về các mặt môi trường tự nhiên, xã hội, mật độ xây dựng. Mục đích lớn nhất là khuyến khích, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các đồ án quy hoạch, mang lại lợi ích thiết thực cho công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao huyện A Lưới:Dành không gian để bảo tồn văn hoá

Hạ tầng để khai thác tiềm năng về du lịch của A Lưới cần được quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo tính hài hòa, đồng bộ và hiệu quả. Cùng với những điểm di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái..., nét văn hoá riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới cần được khai thác trở thành các sản phẩm du lịch. Trong đó, các lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa phi vật thể và vật thể, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống như dệt Zèng, hàng thủ công mỹ nghệ... cần có “đất” để giới thiệu đến du khách. Trong định hướng xây dựng và phát triển đô thị, A Lưới cần có những không gian để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc này, góp phần làm phong phú các loại hình du lịch của A Lưới nói riêng và của tỉnh nói chung.

Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo: Sắp xếp, phân bổ dân cư hợp lý

Mật độ dân cư trong khu vực hiện nay thiếu sự đồng đều, ảnh hưởng đến quá trình khai thác các tiềm năng, thế mạnh ở địa phương. Vì vậy, trong thực hiện giải phóng mặt bằng đầu tư các công trình xây dựng, việc tái định cư cần phải tính đến công tác sắp xếp, phân bổ hợp lý về dân cư. Riêng về quy mô dân số và nguồn nhân lực là yếu tố không thể tách rời trong tiến trình đô thị hóa. Các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi về việc nhập hộ khẩu, có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, tiền lương và nơi ở sẽ thu hút các cán bộ khoa học kỹ thuật, lao động có tay nghề từ nơi khác đến làm việc. Giải pháp này nhằm góp phần giúp nâng cao dân số đô thị, và là nhân tố quan trọng làm tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ở địa phương.

Quốc Tuấn (ghi)

Bài, ảnh: Bá Trí