Báo cáo của Liên Hợp quốc cho biết, ngày càng có nhiều trẻ đi học (89%), nhưng không phải là trường hợp đối với trẻ khuyết tật. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, số trẻ khuyết tật được đi học rất ít (không đến 10%). Ở Việt Nam, hiện có 1,3 triệu trẻ em khuyết tật, nhưng đa số ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở không được đi học.

Các em nhỏ cùng rung chuông trong chiến dịch "We ring the bells" ở Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều

“We ring the bells” là sáng kiến của Quỹ Liliane Hà Lan hợp tác với Quỹ Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật ở TP. Huế với sự tham gia của các tổ chức đối tác bảo vệ trẻ em trên thế giới. Bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Rung chuông động viên trẻ khuyết tật đi học” là hoạt động gây sự chú của các nhà hoạch định chính sách và những người khác để có thể loại bỏ các rào cản ngăn chặn việc trẻ em khuyết tật đi học”.

Tại Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều, 60 em khuyết tật và mồ côi, nhóm 100 trẻ mầm non, toàn thể giáo viên, nhân viên của mái ấm cùng học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tham gia rung chuông, kêu gọi sự chú ý của cộng đồng. Sự hiện diện của cả trẻ em bình thường mang tính giáo dục, nhắc nhở rằng ở đâu đó vẫn còn những người bạn bị khiếm khuyết của các em không được đến trường, nhất là ở những vùng quê nghèo chưa có nhiều sự can thiệp của giáo dục. Có một mái trường để học, có những người bạn để cùng vui chơi là mong muốn của tất cả trẻ em nói chung.

Trước đó, các em khuyết tật ở đây có màn biểu diễn văn nghệ khiến người xem không khỏi nghẹn ngào. Hai bài múa với động tác vụng về, đội hình không đồng đều nhưng đẹp mắt theo cách riêng. Các em học sinh và phụ huynh cầm xắc xô, các vỏ chai, trống, kèn, nắp, vỗ tay… tạo âm thanh đồng vang trong 2 phút.

Còn ở Trường chuyên biệt Tương Lai, 60 học sinh cùng tham gia chiến dịch này. Các em được phát những hộp nhựa có đựng ngũ cốc ở trong, khi cô giáo ra hiệu, những gương mặt ngây thơ cùng cười òa, tay đưa hộp lên cao lắc mạnh. Những hạt ngũ cốc va đập vào thành hộp tạo nên tiếng động vang giòn, vui tai. Nhiều em vừa lắc hộp vừa nhảy nhót, có em lại nắm tay, khoác vai bạn mình một cách trìu mến, thân thương. Khiếm khuyết  dường như không phải là lý do ngăn cách tình cảm của các em với cuộc đời, với con người. Chị Thảo, có con trai mắc chứng tự kỷ đang theo học tại Trường chuyên biệt Tương Lai chia sẻ: “Con không như bao đứa trẻ bình thường khác khiến lòng người mẹ xót xa, nhưng ít ra con mình còn được đi học, được hòa nhập cùng bạn bè. Tôi chỉ mong sao ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật được đến trường hơn nữa, như vậy sẽ càng ít đi những bà mẹ day dứt vì thương con”.

Giáo dục trẻ bình thường đã không dễ dàng, nên việc giáo dục trẻ em có khiếm khuyết là một kỳ tích. Chiến dịch “We ring the bells” với những thanh âm ngân vang liên tục là một tín hiệu lớn và rõ ràng cho thông điệp “Rung chuông vì quyền được đi học của trẻ em khuyết tật”, góp phần thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giúp giảm nguy cơ thất học, phát triển tối đa tiềm năng cho trẻ để tham gia hòa nhập xã hội.

560 trường học, 100.000 trẻ em ở Hà Lan, và 365 trường học, 25.000 trẻ em ở 23 quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh sẽ tham gia chiến dịch “We ring the bells”. Tại Việt Nam, các tổ chức vận động hơn 25.000 học sinh, giáo viên và người dân tại hơn 50 trường học ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum và Hòa Bình tham gia hoạt động “Rung chuông ủng hộ trẻ khuyết tật đi học”.

Phước Ly