Một đứa trẻ nhiễm virus Zika dẫn đến dị tật đầu nhỏ. Ảnh AFP

Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế xã hội của virus Zika tại châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) phối hợp với Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC), đặc biệt quan tâm đến Brazil, Colombia và Suriname - những quốc gia lần đầu tiên ghi nhận sự bùng phát Zika trong tháng 10 - 11 năm 2015.

Tập trung vào Brazil, Colombia và Suriname, báo cáo ước tính rằng, tác động kinh tế của virus đã cao gấp 5 lần ở khu vực Caribe so với Nam Mỹ và có thể làm cho thu nhập của vùng Caribê mất khoảng 9 tỷ USD trong suốt 3 năm khi khách du lịch tránh xa khu vực này.

Bên cạnh đó, theo bà Jessica Faieta, Trợ lý Giám đốc UNDP, tác động sâu rộng của virus Zika sẽ vượt xa những tổn thất hữu hình đối với GDP và có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Bà nhấn mạnh rằng, "những hậu quả của virus có thể làm suy yếu hàng thập kỷ phát triển xã hội, những lợi ích sức khoẻ đã đạt được và làm chậm những tiến bộ hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)".

Đánh giá cũng cho thấy rõ ràng rằng, tác động của virus Zika được cảm nhận nhiều nhất ở các nước nghèo.

Trong khi các nền kinh tế lớn như Brazil phải gánh chịu tổn thất lớn nhất về chi phí, nhưng những tác động "nghiêm trọng nhất" có thể sẽ xảy ra ở những nước nghèo nhất như Haiti và Belize.

"Zika nhắc nhở chúng ta rằng, tất cả các nước và các dân tộc vẫn dễ bị tổn thương trước các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện", ông Magdy Martínez-Solimán – Giám đốc hỗ trợ chương trình và chính sách của UNDP cho biết.

Đánh giá tác động của Zika cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường sự chuẩn bị của các khu vực và quốc gia, đồng thời cần có các chiến lược ứng phó cộng đồng, đặc biệt tập trung vào nhu cầu của những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em gái, phụ nữ và người khuyết tật.

Bảo Nghi (Lược dịch từ UN & Reuters)