Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp đầu tiên ngày 7/4/2017. Ảnh: Reuters

Theo Sputnik, New Delhi đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của mối quan hệ Mỹ-Trung khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên có cuộc gặp với đối tác Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo Ông Seshadri Chari, một nhân viên chủ chốt của Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Ấn Độ.

"Trung Quốc, ở giai đoạn này, không thể có nguy cơ tan rã nền kinh tế, đó là một rủi ro rất lớn về mặt chính trị đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Do đó, Trung Quốc cần một thị trường lớn, và ở châu Á, chúng tôi là thị trường lớn nhất", Bloomberg đã trích dẫn lời ông cho biết.

Trước đây, Tổng thống Trump từng chỉ trích vấn đề thương mại với Trung Quốc, và từng tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc lên 45%. Nếu điều này thực sự được thực hiện, có thể sẽ là một cú sốc nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như đổ thêm dầu vào lửa. Nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng, Hoa Kỳ đã mất gần 1 triệu việc làm trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2007 do cạnh tranh nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm khoảng ¼ tổng số việc làm bị mất trong thời gian đó. Năm 2016, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc là 347 tỷ đô la.

Văn phòng đại diện thương mại của Mỹ cũng liệt kê nhiều vấn đề với Trung Quốc trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không có sự leo thang lớn trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào thời điểm này.

Trong một động thái mới nhất sau cuộc họp với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đã nhất trí với kế hoạch 100 ngày thương lượng về thương mại với Mỹ, nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Tố Quyên (Lược dịch từ Sputnik)