Một nhóm bạn trẻ chơi đàn guitar tại tiệm bán đàn Phúc Sỹ ở Huế

Vắng lặng một thời gian dài

Một thời gian khá dài, phong trào chơi đàn guitar ở Huế vắng lặng nhường chỗ cho các nhu cầu giải trí khác, như dancing, karaoke, game… Thời đó, các tiệm đàn guitar ở Huế thưa thớt người mua; một số nơi dạy đàn không có học trò đành phải đóng cửa. Anh Nguyễn Hữu Phú – người dạy đàn guitar lâu năm ở đường Trần Phú – Huế tâm sự: “Tôi dạy đàn guitar, piano và kèn saxophone ở Huế hàng chục năm trời. Trước đây lớp tôi luôn đông học trò, song về sau này học trò đến với lớp ít dần. Hầu như các bạn trẻ chuyển qua một loại giải trí khác, không còn đam mê tiếng đàn guitar nữa”. Còn anh Lâm Văn Thắng, chủ một cửa hiệu guitar ở Huế, nói rằng: “Năm 2006, tôi vay một số tiền khá lớn để nhập đàn guitar về bán. Rồi nào là tiền thuê nhà, tiền trả công người bán hàng, tiền bảo dưỡng nhạc cụ… Thế nhưng, cả tháng bán được một vài cây đàn. Tình trạng này kéo dài liên tục trong mấy năm, khiến tôi "bay" hết cả vốn. Bây giờ nhớ lại vẫn thấy mình kinh doanh không đúng lúc, không nắm bắt được thị hiếu khách hàng thời đó”.

Chủ phòng trà Serenade nổi tiếng một thời của Huế, anh Sơn nhớ lại: “Tôi bắt đầu mở phòng trà năm 2002, lúc đó phong trào guitar ở Huế phát triển khá mạnh, hầu hết các trường đại học đều có các ban nhạc guitar nổi tiếng, như Thời Gian, Dòng Thời Gian, Rock, Pop… Để khơi dậy niềm đam mê guitar của giới trẻ, tôi đưa dòng nhạc flamenco của châu Mỹ la tinh vào biểu diễn, được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Phòng trà của tôi luôn đông khách, tuy nhiên, đến khoảng năm 2006, phong trào guitar ở Huế bắt đầu vắng lặng, khách đến phòng trà ít dần, phòng trà đành phải đóng cửa”.

Phong trào rộ trở lại

Hiện, câu lạc bộ guitar đang phát triển mạnh mẽ ở các trường trung học phổ thông và đại học. Sinh viên năm thứ nhất khoa tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Huế, Lê Hoàng Nhân cho biết: “Nhóm guitar gồm 5 người và chúng em bắt đầu chơi guitar từ năm ngoái khi mới bước chân vào trường đại học. Hàng tuần, chúng em gặp nhau một lần, lúc thì ở nhà bạn, lúc thì ra công viên. Không chỉ có trường em, mà còn rất nhiều trường khác như Đại học Kinh tế, Đại học Y dược, Nông lâm, Khoa học… đều có nhiều câu lạc bộ guitar, ở đó các bạn cũng sinh hoạt rất đều và rất vui. Thỉnh thoảng, nhóm của em cũng giao lưu với các nhóm đó”.

 Anh Phan Tôn Nhật Bình, một nhạc công guitar chuyên nghiệp ở Huế chia sẻ: “Nhiều năm về trước, do phong trào guitar ở Huế quá lắng, tôi không có việc làm nên phải vào làm nhạc công cho các phòng trà ở Hội An. Gần đây, phong trào guitar ở Huế nở rộ trở lại, nhiều phòng trà ở Huế mọc lên nên tôi đã trở về Huế. Hiện tôi đang làm cho phòng trà Guitar, hàng đêm đón rất nhiều bạn trẻ đam mê guitar đến đây nghe nhạc và giao lưu”.

Phong trào guitar ở Huế đang phát triển mạnh mẽ, đó là nhận định của rất nhiều người, từ những chủ tiệm bán đàn, các lớp dạy đàn… cho đến các nhà hàng, quán nhậu. Anh Trương Hữu Khôi, chủ tiệm đàn Tân Châu ở Huế cho rằng: “Nhờ phong trào guitar nở rộ, không chỉ cửa hàng của em mà còn rất nhiều cửa tiệm khác mọc lên như Phúc Sinh, shop Guitar, Sóng Nhạc,.. cũng bán hàng rất chạy. Bây giờ đối tượng mua guitar cũng

phong phú, ngoài khách hàng truyền thống như học sinh, sinh viên, những lớp dạy đàn… còn có chủ các nhà hàng, quán nhậu cũng đến mua guitar rất nhiều để phục vụ sở thích của khách hàng”. Còn chủ nhà hàng Queen Palace ở Huế, anh Hoàng Trọng Đạt cho biết: “Hầu hết khách đến đây, 10 bàn thì có đến 8 - 9 bàn thích chơi đàn guitar”.

Dạo quanh ở Huế một vòng mới thấy hết được sức sống của cây đàn guitar. Các lớp dạy đàn đông học viên; các phòng trà cũng khá đông khách; nhiều sinh viên, học sinh say sưa đàn hát ở chốn đông người… tất cả đều tạo nên một không gian guitar rất cởi mở và thân thiện. “Mong sao âm nhạc nói chung, guitar nói riêng phát triển mạnh mẽ như thế. Âm nhạc sẽ giúp con người hướng thiện, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Và khi xã hội tốt đẹp hơn thì chắc chắn tệ nạn xã hội sẽ được đẩy lùi”, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tâm lý khi nói về vấn đề này.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên