Cát khai thác trái phép đang được vận chuyển qua cầu Trường Tiền vào cả buổi sáng
Ra quân là… lộ?!
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (TX.Hương Trà) về thực trạng KTC đêm, ông Quý phân trần: “Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với Công an TX. Hương Trà vào cuộc cùng tuần tra, kiểm soát. Để tránh bị lộ, có lần tuần tra chúng tôi tiến hành thu giữ điện thoại của các cán bộ tham gia. Thế nhưng, lúc ra quân không phát hiện một phương tiện khai thác nào. Đa số cứ có kế hoạch tuần tra là… bị lộ”.
Cũng theo ông Quý, trước tình trạng KTC trộm ảnh hưởng đến các điểm di tích, vừa qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã gửi công văn yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát việc KTC trái phép ảnh hưởng đến điểm di tích Điện Hòn Chén. Giải thích về điểm khai thác ngay trước trụ sở UBND xã Hương Thọ, ông Qúy nói, trước khi nghe các PV phản ánh, chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng KTC ban đêm tại đây.
Nhiều phương tiên ngang nhiên vận chuyển cát sai khung giờ quy định trên sông Hương (ảnh chụp vào rạng sáng ngày 5/4)
Tại “điểm nóng” KTC trộm vào ban đêm ở thôn Định Môn (xã Hương Thọ), ông Nguyễn Văn Quý thừa nhận, khu vực này là nơi tập trung nhiều đối tượng KTC trộm ban đêm. “Chính quyền địa phương cũng đã thành lập một tổ tự quản tại thôn Định Môn để kịp thời ngăn chặn. Tháng 2 vừa qua chúng tôi đã bắt 2 trường hợp KTC trái phép tại khu vực này. Song, đến nay các đối tượng khai thác ngày càng tinh vi, sử dụng người cảnh giới nên vẫn không thể giải quyết triệt để được tình trạng này”, ông Quý khẳng định.
Ngoài xã Hương Thọ, tại thượng nguồn sông Hương, khu vực xã Thủy Bằng, chính quyền địa phương cũng tỏ ra “bất lực”. Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết, mặc dù có quy định của các cơ quan chức năng về KTC, sỏi nhưng tình trạng khai thác trái phép vào ban đêm vẫn diễn ra. “Các đối tượng KTC trái phép thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lại cơ quan chức năng nếu bị phát hiện. Có lần, một tổ lực lượng liên ngành đã bị các đối tượng KTC trái phép dùng sào chọc, gây chìm thuyền, nguy hiểm cho người thực thi công vụ. Tại địa phương, các điểm khai thác vào ban đêm như ở Tân Ba, Vĩ Dạ, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra để ngăn chặn việc KTC trái phép, song lực lượng mỏng và phương tiện trang bị quá thô sơ nên đành “bất lực””, ông Thìn nói.
Cũng như nhiều địa phương, ông Thìn cho rằng, kế hoạch tuần tra mặc dù được bảo mật nhưng lực lượng chức năng vừa bước xuống bến thuyền đã bị lộ! “Lúc tuần tra, các đoạn sông im ắng, không có một bóng thuyền khai thác nào. Trong khi đó, kinh phí cho mỗi đợt ra quân là tương đối lớn. Việc xử lý nạn KTC trái phép vượt quá khả năng của chính quyền địa phương, chúng tôi nhiều lần “cầu cứu” các lực lượng cấp trên vào cuộc để xử lý”, ông Thìn giãi bày.
Cần lực lượng liên ngành
Phản ánh về tình trạng KTC cát ban đêm, vận chuyển cát sai khung giờ quy định với cơ quan thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, xử lý là Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh. Trung tá Lê Viết Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh khá “bất ngờ” và đề nghị chúng tôi cung cấp hình ảnh. Sau khi tham khảo hình ảnh, Trung tá Sơn cho biết: “Việc xử lý các phương tiện KTC trái phép vào ban đêm hiện rất khó khăn. Khi chúng tôi chuẩn bị phương tiện, tổ chức tuần tra bằng đường thủy thì bị lộ vì phải mang cano theo. Tuần tra theo đường bộ gặp nhiều đối tượng cảnh giới, các đối tượng KTC dưới dòng sông pha đèn phát hiện và trốn tránh”.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh bắt và xử lý 13 trường hợp KTC trái phép; Thanh tra Sở Tài nguyên&Môi trường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 4 trường hợp. Riêng sau khi có Chỉ thị 07 của UBND tỉnh, Phòng Cảnh sát đường thủy bắt, xử lý 5 trường hợp KTC, sỏi trái phép trên sông Hương. |
Trả lời câu hỏi tại sao Phòng Cảnh sát đường thủy có một tổ công tác tuần tra kiểm soát giao thông lưu động nhưng vẫn để các phương tiện vận chuyển cát sai khung giờ quy định “vượt mặt”? Trung tá Sơn nói: “Do lực lượng của chúng tôi mỏng nên không thể kiểm soát hết được. Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm”.
Trước nạn KTC, sỏi trái phép vào ban đêm và nhiều điểm tập kết cát, sỏi tự phát, không phù hợp với quy hoạch, Chỉ thị 07 của UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan ban ngành, cùng chính quyền các địa phương phải phối hợp để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Trong đó, cần sự chung tay, ra quân của lực lượng liên ngành và sự phối hợp nhịp nhàng của các địa phương liên quan; các ban ngành cần tiến hành kiểm tra, rà soát công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, KTC, sỏi lòng sông.
Theo ông Nguyễn Thế Vân, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên& Môi trường, tình trạng KTC, sỏi chắc chắn tác động đến môi trường. “Lực lượng thanh tra hiện rất mỏng và không có phương tiện chuyên dụng để tuần tra nên khi tuần tra, chúng tôi phải phối hợp với các lực lượng liên ngành. Song, thực tế trong quá trình tuần tra, kiểm soát các đối tượng vi phạm hung hãn, thường hoạt động về đêm nên khó xử lý triệt để”, ông Vân nói.
Trước những thông tin về tình trang KTC đêm trái phép được chúng tôi cung cấp, ông Nguyễn Thế Vân khẳng định: “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh để phối hợp các cơ quan liên ngành triển khai kế hoạch tuần tra kiểm soát. Trách nhiệm quản lý, giữ gìn an ninh trật tự khu vực khoáng sản chưa được cấp quyền khai thác thuộc về UBND cấp huyện, xã”. “Để giải quyết triệt để tình trạng KTC trái phép trên các dòng sông thực sự khó. Thuyền KTC trái phép có thể là kế mưu sinh của bà con vùng vạn đò. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, giải quyết vấn đề mưu sinh về lâu dài là cách hạn chế tình trạng KTC trái phép”, ông Vân chia sẻ.
Lê Thọ - Nguyễn Khánh