Người xem thích thú với những tác phẩm của Jean Marc Turine
Vốn là đạo diễn, nhà sản xuất chương trình của Đài Phát thanh France Culture (Pháp) và RTBF (Bỉ), Jean Marc Turine đã sát cánh cùng nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras trong suốt tuổi trẻ của ông, cùng làm phim “Người tình” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên do người bạn, người cộng sự này viết. Ông làm quen với Việt Nam từ 10 năm trước và có tình cảm quyến luyến với đất nước Việt Nam. Bộ phim “Liên de Mê Linh”, viết về nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam đã gây được nhiều tiếng vang.
Ông gặt hái nhiều thành công, đạt được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực phát thanh và điện ảnh. Gần một chục tác phẩm văn học lần lượt ra đời, chủ yếu là vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Công việc làm phim, viết sách luôn gợi nên những câu chuyện buồn của cuộc đời. Nhưng ghép dán gỗ là một thế giới khác, là những hộp màu, những cái thước, những chiếc bút lông to nhỏ đủ loại, những cuộn dây nhiều màu, những viên sỏi lóng lánh, những mẩu vỏ cây… Ở đó, ông vẽ nên những màu sắc vui nhộn, hình thù hài hước, là một chú vịt, là ông hề, đôi khi lại là những góc cạnh có phần hơi trừu tượng.
Những tấm gỗ, những cái hộp, những chiếc vợt tennis cũ với khung bằng gỗ, những chiếc vợt Jokari và vợt bóng bàn là những vật liệu cơ bản mà Jean Marc Turine thu gom từ các chợ trời của Bruxelles, trong hầm rượu của bạn bè hoặc tại các cửa hàng bán đồ cũ. Dường như đi đến đâu ông đều nhặt nhạnh. Và nhặt đến đâu, ông lại tạo ra tác phẩm mới đến đấy. Hình dáng và chất liệu của những đồ vật cũ là động lực để Jean Marc Turine chuyển đổi chức năng và biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc với hình thức “ghép dán nghệ thuật” trong không gian ba chiều.
Từ những thứ bỏ đi xa lạ, ông nghiền ngẫm lên ý tưởng khiến chúng trở nên gần gũi, thân thuộc với mình. Jean Marc Turine chia sẻ: “Khi thực hiện những tác phẩm này, tôi quên đi áp lực, những dấu ấn nặng nề trong công việc và cuộc sống”. Những tác phẩm của ông không có tên, khi hỏi về thắc mắc ấy, ông cười, tôi chưa từng nghĩ sẽ đặt tên cho những tác phẩm của mình. Trong ý niệm, ông không nghĩ đó là những tác phẩm nghệ thuật cao siêu, ông coi chúng là những đứa con tinh thần, nơi ông dùng sự cuồng nhiệt, say mê để sáng tác. Những tác phẩm ấy đã mang trên mình cái tên “ẩn”, chẳng cần phải thuyết minh gì thêm.
Ở một tác phẩm mang dáng dấp hình con vịt, gồm 3 cái vợt jokari thành cánh và thân vịt, dùng hai khuôn gỗ làm giày đẽo nên bàn chân ngộ nghĩnh, các thanh gỗ ghép lại hình thang nối các bộ phận lại với nhau. Chú vịt này thu hút chú ý của nhiều bạn trẻ xem triển lãm, và đa phần những lần chú ý ấy đều khiến thân, cánh vịt rơi mỗi nơi một cái, các bạn bối rối nhặt lên ghép lại nhưng không được. Mỗi lần như vậy, Jean Marc Turine cười tươi, đưa hai tay lên ra hiệu “không sao đâu” để trấn an và giúp các bạn ghép lại chú vịt hoàn chỉnh. Anh Hồ Xuân Dũng, một người yêu nghệ thuật chia sẻ: “Ban đầu, nhìn vào những tác phẩm của Jean Marc Turine tôi cảm thấy hơi trừu tượng và khó hiểu, mang lại chút thú vị, gợi trí tò mò. Sau đó, tôi nhìn những màu sắc tươi sáng trong hình dáng vui nhộn, thấy cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, căng tràn sức sống hơn”.
Bước vào không gian triển lãm “Gom nhặt và tạo tác” của Jean Marc Turine, ai cũng có cảm giác thư thái. Sự yên tĩnh của phòng trưng bày càng gợi lên nhiều tiếng nói trong từng tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ khi sáng tác, tác giả đã phải nghiền ngẫm, tư duy rất nhiều, để đến khi xem, ai cũng lặng người, suy tư rất lâu.
“Gom nhặt và tạo tác” là triển lãm trưng bày một loại hình nghệ thuật mới: sáng tác trên những mẩu gỗ của nghệ sĩ người Bỉ - Jean Marc Turine do Viện Pháp tại Huế phối hợp với Nhà tri thức TP. Huế và Phái đoàn Wallonie – Bruxelles tại Việt Nam tổ chức. Triển lãm diễn ra từ ngày 24/3 – 2/4/2017, gồm 30 tác phẩm được chính tác giả công phu mang từ quê nhà sang Việt Nam rồi ráp lại. |
Phước Ly