Tất bật vì  bệnh nhân

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học ở phường Phú Bài, TX. Hương Thủy, từ nhỏ Hoa mê nghề mặc áo blouse trắng, chữa bệnh cho mọi người. Vì lẽ đó, được sự hun đúc của bố mẹ và thầy cô, Hoa thực hiện ước mơ của mình sau khi nhận tấm bằng bác sĩ ở Trường đại học Y dược Huế. Cái duyên và nghiệp gắn bó Hoa với Khoa Tổng hợp 2, chuyên điều trị bệnh nhi ung thư, Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế, một địa chỉ mà hầu hết các bác sĩ đều... ngại vì ngoài vất vả, nhọc nhằn còn phải chứng kiến sự đau đớn, những trường hợp thương tâm của con trẻ.

Tại khoa điều trị ung thư này, đội ngũ y, bác sĩ rất ít, nhưng ngày nào cũng thăm khám, điều trị 35 - 40 bệnh nhi trong tình trạng đối mặt với tử thần. Hoa hiện là một trong những bác sĩ chính của khoa, hàng ngày phải làm việc tất bật. Chưa hết điều trị cho trường hợp này lại chuyển sang trường hợp khác. Nhiều bệnh vào dịp hóa trị, xạ trị, bác sĩ Hoa căng thẳng, mệt mỏi vì phải tham gia hội chẩn, túc trực theo dõi. Thậm chí có trường hợp phải thức nhiều đêm liền. Không chỉ thế, áp lực của việc điều trị bệnh nhi ung thư còn nặng nề khi gặp các sự cố bệnh đuối sức, rơi vào trạng thái hôn mê, nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

Làm việc trong môi trường chịu áp lực cao, nhưng Hoa luôn tự nhủ, động viên bản thân kiên nhẫn và linh hoạt chủ động khắc phục khó khăn. Vừa học hỏi đồng nghiệp vừa rèn luyện, kinh nghiệm nghề của Hoa ngày càng dày thêm. Kể từ ngày gắn bó với nghề, ngoài chăm sóc điều trị cho bệnh nhi mắc ung thư, bác sĩ Hoa còn kiêm “nhà tâm lý”, dành thời gian nô đùa, tập múa, giúp các em vẽ tranh... Bác sĩ Hoa nói: “Dù liệu pháp tâm lý của mình đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng giúp các em quên đi nỗi đau, chiến thắng bệnh tật...”.

“Năn nỉ” bệnh nhân trở lại điều trị

Trẻ em mắc ung thư là nỗi đau tột cùng của nhiều gia đình. Thế nhưng nhiều phụ huynh khi thấy con, cháu mình tiên lượng không tốt đã... trốn viện, đánh mất cơ hội sống của trẻ. Không ít lần như thế, bác sĩ Hoa phải “nài nỉ”, thuyết phục người nhà cho các em ở lại điều trị vì theo chị, ở mái nhà chung điều trị bệnh nhi ung thư, BV Trung ương Huế luôn có những “trái tim lớn” đùm bọc, sẻ chia, giúp các em vượt qua bệnh tật.

Bác sĩ Hoa nói: “Trẻ em mắc ung thư nếu phát hiện điều trị kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh đạt gần 100%. Hiện nay, với sự quan tâm của đội ngũ y, bác sĩ  và các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước, tỷ lệ trẻ em mắc ung thư bỏ điều trị tại BV Trung ương Huế chỉ còn dưới 30%”. Một đồng nghiệp của bác sĩ Hoa cho biết, mới đây có trường hợp là bé L. ở Hải Lăng, Quảng Trị được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh, với khối u khá lớn đã di căn. Bác sĩ ở khoa xác định bệnh nhạy cảm với hóa trị, nếu truyền hóa chất vào là u có thể tan được. Trong khi ở khoa đang thực hiện phác đồ điều trị, gia đình lại đưa con về nhà chữa trị bằng thuốc Nam vì cho rằng không còn khả năng tài chính điều trị tại BV Trung ương Huế. Nghe tin, bác sĩ Hoa vừa thương vừa giận, gọi điện tư vấn, chia sẻ, thậm chí “làm dữ”. Bác sĩ Hoa đã kêu gọi các tấm lòng nhân đạo, phối hợp với Liên đoàn chăm sóc trẻ em châu Á do bà Kazuyo Watanabe (người Nhật) làm chủ tịch để hỗ trợ tiền ăn, thuốc men, tàu xe đi lại hàng tháng giúp L vượt qua chuỗi ngày bất hạnh. Hiện, sức khỏe của L đã ổn định, hàng tháng trở lại khoa để theo dõi sức khỏe...

Bác sĩ Hoa chia sẻ, nơi đây luôn chứng kiến những hoàn cảnh nghèo khiến bản thân trăn trở, day dứt nhiều đêm không ngủ được. Mỗi trường hợp điều trị, trẻ khỏe mạnh lại là một niềm vui. “Dù sức người có hạn, nhiều lúc mệt mỏi nhưng phải nỗ lực vì biết rằng còn rất nhiều bệnh nhi đang cần đến bàn tay chăm sóc, chia sẻ của mình...”, bác sĩ Hoa nói.

Bác sĩ CK II Phan Văn Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế nhận xét: “Dù thời gian gắn bó với khoa chưa nhiều nhưng bác sĩ Hoa để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp, nhất là với bệnh nhân nhi ung thư. Sự tận tâm, tấm lòng yêu nghề đã giúp bác sĩ Hoa vượt qua tất cả, xứng đáng với danh hiệu “Lương y như từ mẫu”.

Khánh Quan