Người di cư tìm đến Italy xin tị nạn. Ảnh: Reuters

Từ năm 2014, số người di cư đến bờ biển của Italy đã gia tăng đáng kể, với khoảng nửa triệu người đã tìm đến nước này, và theo luật Liên minh châu Âu EU, Italy phải thiết lập các "điểm nóng" - nơi những người nhập cư có quyền tị nạn được phân cách với những người không được quyền tị nạn.

Kết quả là các đơn xin tị nạn ở Italy đã tăng vọt, tạo gánh nặng cho các tòa dân sự quốc gia và các thủ tục tiếp tục bị trì hoãn hơn nữa bởi các khiếu nại kéo dài nhiều năm.

Theo luật mới, phán quyết tị nạn chỉ có thể được kháng cáo 1 lần, thay vì 2 lần như trước đây, và yêu cầu phải được nộp trong vòng 1 tháng.

Reuters cho biết, luật mới cũng tạo ra 26 ban mới trong các tòa án trên khắp cả nước, chuyên phụ trách về các vấn đề nhập cư, đồng thời cho phép Bộ Nội vụ nước này sử dụng tối đa 250 người trong 2 năm tới để làm việc trong các ủy ban nhà nước chuyên trách về việc xin tị nạn.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá quốc tế lo ngại rằng, việc "giảm đáng kể các khoản bảo đảm thủ tục cho những người xin tị nạn" làm các thủ tục mới có thể trở nên vi hiến và phân biệt đối xử.

"Những người xin tị nạn rõ ràng sẽ rất quan tâm đến việc quyết định được đưa ra nhanh hơn, nhưng họ không nắm được những hạn chế về quyền của người di cư", ông Antonio Marchesi, người đứng đầu Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Ý Antonio Marchesi cho biết.

Các quy định mới đã được chính phủ của Thủ tướng Paolo Gentiloni thông qua vào đầu tháng 2/2017 với một nghị định khẩn cấp vì lý do rằng, số đơn tồn đọng của tòa án đang xếp chồng lên nhanh chóng và nơi tạm trú cho người xin tị nạn cũng chật kín.

Theo luật pháp của Italy, các nghị định khẩn cấp phải được Quốc hội thông qua trong vòng 60 ngày.

Italy ước tính sẽ chi 3,9 tỷ euro (4,1 tỷ USD) trong năm nay cho việc quản lý nhập cư, gần gấp 3 lần so với năm 2013. Dự luật hàng năm có thể tăng lên 4,3 tỷ euro nếu lượng người di cư kéo đến tăng lên, tương đương với 1/4 chi tiêu quốc phòng hàng năm của quốc gia này.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CNA)