Trong thiết kế đô thị, cốt nền là một tiêu chí được đặt ra và quản lý một cách nghiêm túc, mang tính khoa học. Bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thẩm mỹ. Chúng ta cứ hình dung trên cùng một con đường, khu phố mà nền các công trình chỗ cao, chỗ thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị.

Thế nhưng, chuyện cốt nền và quản lý cốt nền ở ta không được quan tâm đúng mức và hình như thả nổi. Trước đây chuyện này không ai để ý, nhưng khi lập lại trật tự đô thị thì mới thấy nó phát sinh vấn đề.

Khi lập lại trật tự hè phố ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều nhà xây bậc tam cấp rất cao lấn chiếm vỉa hè buộc phải đập bỏ. Cao trình giữa nền nhà và hè phố là một khoảng cách bất hợp lý. Thế là người ta phải nghĩ ra bậc tam cấp di động, bậc tam cấp thiết kế ngầm. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn, bất tiện trong sử dụng cho gia chủ một phần, nhưng nó sẽ  khó khăn trong vấn đề quản lý. Bởi lúc này nó phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Giả sử như tỷ lệ chỉ vài phần trăm thôi, khi đưa bậc tam cấp ra sử dụng, rồi quên không thu nó vào vị trí cũ, thì suy cho cùng, vỉa hè cũng bị lấn chiếm như cũ, có điều dưới hình thức khác, khó quản lý hơn. Chính quyền chắc chắc sẽ phải có nhiều “động tác” nữa để nhắc nhở hoặc xử lý người vi phạm.

Vậy là khi không đặt ra và quản lý không tốt chuyện cốt nền công trình thì nó đi từ chuyện thẩm mỹ, đô thị đẹp hay xấu, dẫn đến việc có thể vi phạm những qui định về trật tự đô thị. Mà cụ thể là chuyện bậc tam cấp di động, người dân có thể vi phạm bất cứ lúc nào, dù vô tình hay cố ý. Quản lý đô thị ở ta có lẽ rất khó là vì vậy.

Điều này có yếu tố khách quan là vì từ điều kiện lịch sử phát triển đô thị của chúng ta không đồng nhất. Nhưng có nhiều khu phố mới vẫn xảy ra tình trạng này, thì rõ ràng lỗi thuộc về quản lý đô thị. Chuyện ngành chức năng quản lý cốt nền đô thị không tốt đã đành, nhưng điều này nó còn liên quan đến quan niệm, cách nghĩ của người dân. Không biết xuất phát từ đâu và để giải quyết điều gì, nhưng trong quan niệm dân gian, có chuyện nhà xây sau kế cận nhà xây trước thì cốt nền phải cao hơn. Đối với những khu phố ở vùng thấp có thể người ta cố gắng tôn cao nền nhà để tránh ngập lụt, nhưng ngay ở các phường vùng cao, chúng ta cũng thấy hiện tượng phổ biến này. Và có lẽ người dân khi xây nhà, họ chưa lường được những phiền phức như vậy. Chính vì thế, việc ban hành qui định và quản lý, ngoài giúp cho đô thị đẹp hơn, nề nếp hơn, nó còn giúp cho người dân tránh những phiền toái phát sinh.

Có một điều cũng cần đề cập, đó là việc làm đường, sửa chữa đường sá của chính quyền. Khi có một con đường nào đó trong nội thị xuống cấp, hư hỏng, chúng ta không lạ gì cái cách sửa đường theo kiểu không hạ mặt đường để làm lại mà đơn vị thi công chỉ xử lý mặt đường cũ để tạo độ kết dính, sau đó đổ thêm một lớp bê tông nhựa. Có không ít con đường sau vài lần sửa chữa như vậy, nhà dân hai bên đường trở thành thấp hơn mặt đường. Cái cách xây dựng như thế này tạo ra “sự cảnh giác” cho những người làm nhà? Những sai phạm thuộc về người dân người dân phải sửa, nhưng những bất hợp lý trong việc xây dựng của Nhà nước như vừa nêu cũng cần khắc phục. Đó là lẽ công bằng.

Từ đó chúng ta thấy rằng, chuyện quản lý cốt nền nó cũng quan trọng như quản lý xây dựng trong đô thị.

Nguyên Lê