Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 80 làng nghề, trong đó có 64 làng nghề truyền thống. Các làng nghề được khôi phục và phát triển mạnh là đúc đồng, thêu, kim hoàn, đan lát, nón lá, hoa giấy… góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó đa số là lao động nữ.

Phụ nữ làng nghề đan lát Bao La góp phần khôi phục và phát triển nghề truyền thống

Từ nón lá Mỹ Lam...

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 10 km, làng nghề Mỹ Lam ở xã Phú Mỹ (Phú Vang) ngày ngày nhộn nhịp với nghề chằm nón. Với trên 500 phụ nữ gắn bó với nghề, trung bình mỗi ngày làng nghề này sản xuất ra trên 1 ngàn chiếc nón các loại, cung ứng cho người dân địa phương, khách du lịch và các đại lý ở TP Huế. Ngoài việc chằm nón, các chị phụ nữ còn sáng tác nhiều bài thơ về quê hương, phong cảnh, con người…, sau đó khắc trên giấy và ép vào nón lá, tạo ra những chiếc nón bài thơ độc đáo và ấn tượng. Vừa chăm chút xoay lá, rút dây các chị vừa đọc cho chúng tôi và khách du lịch nghe bài thơ tự sáng tác: “Sao anh không về thăm thôn Mỹ. / Ngắm nhìn em chằm nón buổi đầu tiên. / Bàn tay xoay lá xoay xuyên nón. / Mười sáu vành mười sáu trăng lên.” Và những vần thơ nhẹ nhàng, mang hương đồng gió nội ấy đã cùng với nón lá Mỹ Lam bay đi khắp nơi, đồng nghĩa với nhiều chị em phụ nữ nơi đây có nguồn thu ổn định để cùng nhau lưu giữ và gắn bó với nghề.        

Dì Lê Thị Yến, trú tại thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ cho biết: “Năm nay dì 58 tuổi song đã có 50 năm gắn bó với nghề chằm nón. Nghề này khá nhẹ nhàng song đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn và chịu khó. Nhờ có nghề chằm nón mà mấy chục năm qua, dì đã trang trải cuộc sống và nuôi các con vào đại học. Vì vậy dì sẽ không bao giờ bỏ nghề và sẽ cố gắng làm ra thật nhiều chiếc nón lá đẹp, tinh xảo và dạy nghề cho con cháu trong làng nhằm góp phần lưu giữ và phát triển nghề nón lá trên đất Mỹ Lam.”

Đến đan lát Bao La

Làng nghề đan lát Bao La những ngày này đang sôi động và nhộn nhịp với hàng trăm phụ nữ hăng say công việc để kịp sản xuất các sản phẩm chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2013. Tồn tại hàng trăm năm nay với nghề mây tre đan, làng nghề này đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ. Không mất nhiều thời gian để học nghề, đa số chị em đều có thể bắt tay đan lát các sản phẩm nội thất, mây tre đan mỹ nghệ thông qua hai HTX là Bao La và Thủy Lập (Quảng Điền). Những năm gần đây, được sự hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và tập huấn kỹ năng sản xuất của Sở Công thương, hàng trăm phụ nữ ở các xã trên địa bàn huyện được đào tạo nghề chính quy, được hướng dẫn các phương pháp sản xuất hàng xuất khẩu nên sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng được nâng lên.

Chị Hoàng Thị Tú ở thôn Bao La, xã Quảng Phú cho biết: “Nghề đan lát phù hợp với phụ nữ bởi nhẹ nhàng và có thể nhận hàng về nhà làm nên vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ đan lát và làm vào ban đêm để nâng cao thu nhập. Nhờ có nghề này mà nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định, có thể làm thêm ngoài công việc đồng áng để trang trải việc học hành cho các con.”

Không chỉ có ở làng nghề đan lát Bao La hay nón lá Mỹ Lam, hiện có khá nhiều chị em phụ nữ gắn bó với nhiều làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như nghề tinh chế dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc), nghề làm hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang), nghề gốm Phước Tích (Phong Điền), nghề làm bún tươi Vân Cù (thị xã Hương Trà), nghề thêu Thuận lộc (TP Huế)… Cũng từ các làng nghề này, nhiều phụ nữ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nghề, vốn sống và có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để nâng cao chất lượng cuộc sống.        

Bài, ảnh: Khánh Thư