Hôm rồi ngoại thèm bắp, con cháu ra chợ mua về, ăn được hai miếng, ngoại gõ trái bắp cái chạch trên bàn chê: “Bay mua bắp chi lạt thếch, ăn vô xạp xạp có ngon lành chi mô!”. “Chưa tới mùa bắp Huế mạ ơi!”. “Hèn chi... dở òm!”. Mấy đứa nhỏ nghe giọng bực bội thè thẹ xách dép lẹc ra cửa rỉ tai: “Cha là cái giọng... gia pháp! Lần sau không phải đồ Huế nhớ chừa nghe bây!”.

Mấy hôm rồi thấy người ta bán bắp ở chợ tính lăm le nhưng lại nghe bắp biến đổi gen này nọ các kiểu sợ quá chừng. Thèm quá có khi rà rà coi o mô bán bắp trái nhỏ nhỏ, hột màu ngà, ngửi có mùi thơm đích thị bắp Huế mới dám mua. Ăn xong, hôm sau canh me ra lại o lắc đầu: “Lâu lâu mới có bắp nhỏ, đầu mùa hiếm lắm con! Thôi ăn tạm trái bắp to cũng được”. “Dạ thôi”. (Bụng bảo dạ có ngon lành chi mô mà ăn, thứ bắp lai được trái to.... Giật mình răng mình khó tính giống ngoại ri hèo)!

Thuở còn son rỗi còn chạy lên tận Kim Long, Hương Long tìm tới tận ruộng này lại ít bắp của mấy o buôn. Mua bắp luộc chưa vừa còn ôm thêm mấy mớ bắp non cọt đẹt. Mấy khi săn được bắp làng! Về luộc lên, phát người hai trái, ai ngồi góc nấy bẻ, cạp. Ây chà, đúng là bắp quê trồng ven sông hạt dẻo thơm lựng, chả bỏ công đường xa. Ăn đồ nhứt xong rồi mới ngó lại mớ bắp đẹt. Thôi thì huy động lực lượng, mớ thì tách hột làm bắp chiên bơ, mớ ngồi khom lưng xát mỏng làm sữa bắp, chả bắp chiên. Cái món xát là “chua” nhứt, ngồi gỡ từng râu bắp cho sạch, xát mạnh tay trên cái liếp sắt hai lưỡi toàn bị cứa đứt ngón tay rứa mà đứa con nít mô cũng hăng. Làm thì lâu, hì hà hì hụi nhưng viên chiên lên chắm với mayonnaise và tương ớt hết trong vòng chưa đầy “ba nốt nhạc”. Còn sữa bắp thì cạn nồi khi chưa kịp nguội!

Nhớ thời cấp hai đi soi đêm. Vô mấy ruộng bắp sau trận mưa thấy bàn chân mát rượi, nghe mùi bắp non thơm thoảng trong gió đồng mát rượi. Thảo nào mà bọn ếch nhái cứ nằm mẹp dưới chân cây bắp mơ màng nên dễ bị chộp. Có hôm cả bọn còn bẻ vài trái bắp vô mấy cái lăng gần đó tụ tập nổi lửa nướng. Vừa xoay bắp đều trên lửa vừa rắc thêm muối ớt. Bắp nóng dẻo vừa cạp vừa chuyền vòng tròn, đến khi mô còn cái cùi trơ trọi mới thôi!

Mà cũng lạ, ăn thấy ngon chứ chưa bao giờ hỏi giống bắp người trồng tên chi. Để ý bao người mua khác cũng vậy, chỉ biết bắp Huế mình trồng là ngon rồi. Mãi gần đây đọc báo mới nghe là giống bắp nếp mới HN88, HN90; còn bắp truyền thống là Thần nông, Đại địa... Lại biết Huế còn có giống bắp nếp cồn Hến hạt đều, trắng dẻo, mùi thơm. Món chè bắp cồn Hến với nước cốt dừa một thời là lời mời gọi biết bao học sinh - sinh viên tìm về Vỹ Dạ để thưởng thức bộ đôi ẩm thực: cơm hến – chè bắp! Tôi nhớ đọc ở tài liệu nào đó nói rằng ngày lễ tết, người dân xứ cồn thường dâng cúng bắp và hến, hai món ăn tưởng nhớ đôi vợ chồng khai canh vùng đất này. Bắp này là giống truyền thống từ lâu nên năng suất ngày càng thấp. Mùa bắp, từng gánh bắp cồn được người mua hai bên đường lên trung tâm thành phố săn đón như một món ăn quý hiếm. Chính vì ngày càng hiếm hoi nên một vị phó giáo sư ở Huế cùng cộng sự dành suốt 10 năm nghiên cứu, tách chọn dòng thuần từ giống bắp này để bảo tồn nguồn gen.

Các mẹ sữa ngày càng cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm cho con, chỉ riêng chuyện bắp GMO (biến đổi gen) đã thấy “share” đi “share” lại, cảnh báo đủ kiểu đọc mà phát sợ. Nhà ai cũng có facebook, “tag” qua “tag” về nhắc nhau chuyện ăn đến khổ. Tranh luận giữa giống truyền thống nhưng năng suất kém và giữa giống mới năng suất cao nhưng không thơm ngon cũng khiến bữa cơm trong gia đình căng thẳng huống gì người nông dân khi đó là cả cuộc mưu sinh lo toan mùa vụ. Biết chọn bắp gì đây? Chị cả “túm gọn”: Chịu khó chạy lên trên làng mà mua chơ răng. Coi như đi dã ngoại. Mắc xí cũng được, xa xí cũng được. Mà ngon. Mà đỡ lo. Đứa mô ăn nhiều thì chịu khó hí!

Bài, ảnh: Ngọc Đình