Pha ăn mừng của các nữ cầu thủ Việt Nam sau pha ghi bàn vào lưới Myanmar. Ảnh: Internet

Thực ra đây không phải là thành tích quá xuất sắc của bóng đá nữ Việt Nam. Trong quá khứ, các cô gái của chúng ta đã 7 lần liên tiếp góp mặt ở VCK Asian Cup. Nhưng cũng như mọi lần, những người yêu bóng đá và nhất là những người đang quản lý bóng đá nước nhà đều nhận ra một điều như đã hiển nhiên là bóng đá nữ Việt Nam vẫn chịu quá nhiều thiệt thòi. Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đã nhận được rất nhiều trái ngọt từ bóng đá nữ nhưng chưa có sự đầu tư, chăm chút đối với đời sống nữ cầu thủ. Và chính VFF cũng thừa nhận, đã làm hết sức để bóng đá nữ không bị quá thiệt thòi nhưng sự thật, việc “tìm cho bóng đá nữ 1 tỉ đồng tài trợ khó hơn tìm 10 tỉ đồng cho bóng đá nam”.

Câu hỏi vì sao bóng đá nữ luôn chịu thiệt thòi so với các nam đồng nghiệp cũng không khó trả lời khi mối quan tâm của xã hội và cả nền bóng đá dành cho phái nữ không nhiều. Điều này xuất phát từ những luồng tư duy, quan niệm lệch lạc như bóng đá nữ chỉ mang tính phụ họa cho bóng đá nam, vốn đã ăn sâu trong tư tưởng nhiều người. Thêm vào đó, cũng bởi bóng đá nữ chưa tạo được sức hút mạnh mẽ với công chúng, trong khi bóng đá nam làm được điều đó.

Nhưng trên thực tế, bóng đá nam đang làm cho người hâm mộ ngày một chán chường vì những yếu tố phi thể thao. Đó là câu chuyện các đội bóng phản đối trọng tài một cách vô tổ chức và có thể nói là thiếu văn hóa. Nói như cựu HLV đội tuyển quốc gia Nguyễn Thành Vinh: “Tôi không đồng tình cách làm của các đội bóng như HAGL hay mới đây là Quảng Nam khi họ làm đơn tố trọng tài sai sót dẫn tới đội bóng thua cuộc. Cuộc chơi nào cũng có luật lệ của nó. Đã tham gia cuộc chơi là phải tuân thủ theo luật. Chuyện trọng tài mắc sai sót không phải chuyện hiếm trên thế giới. Các đội bóng không nên phản ứng quá mức. Đành rằng, công tác trọng tài ở V-League còn tồn tại một số vấn đề nhưng không vì thế mà các đội bóng cứ hở ra là đòi kiện trọng tài. Hành động như thế chẳng khác nào coi V-League như một cái chợ. Thích gì làm đấy và thiếu tôn trọng cuộc chơi”.

Một sân chơi được cho là chuyên nghiệp như V-League, hàng năm các doanh nghiệp, VFF và cả khán giả đã đổ tiền của và cả niềm hy vọng vào đó. Nhưng đã gần 20 năm qua vẫn chưa thấy một sự phát triển nào đáng kể, nếu không muốn nói là V-League đang “tập hư” cho các cầu thủ trẻ và cả cầu thủ ngoại…

Đưa ra một sự so sánh giữa bóng đá nam và bóng đá nữ là vô cùng khập khiễng. Tuy nhiên, khi đối chứng giữa hai bức tranh này thì vẫn nhận ra một sự thật là các cô gái đá bóng vẫn còn trong sáng và vô tư lắm. Và vẫn chưa có một cầu thủ nữ nào đi đá bóng để được đổi đời như các cầu thủ nam. Họ cũng chưa phải là đối tượng để gây nên những “cơn sốt” từ người hâm mộ như Công Phượng, Tuấn Anh…

Nhưng trong thiếu thốn, khó khăn và đôi khi cả vắng vẻ nữa thì hồng vẫn nở hoa; càng nghiệt ngã thì vòng nguyệt quế trên đầu các cô gái càng thắm tươi. Một sân chơi World Cup đang hé cửa chờ đợi những cô gái đá bóng đất Việt. Đó là một đích ngắm rất thực tế…

HÀN ĐĂNG