Cố nghệ sĩ La Cháu
Nghệ nhân La Cháu sinh năm 1911 ở làng Hà Trung, xã Vinh Hà, Phú Lộc. Do có bà con với bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, cha cụ là La Ngạn được cho vào học tuồng ở Thanh Bình Thự từ sớm. Năm lên tám, cụ La Cháu cũng được vào học lớp đồng ấu ở Thanh Bình Thự với thầy Quảng Phước và thầy Đội Em - hai nghệ nhân tuồng nổi tiếng đời Thành Thái. Vai diễn đầu tiên của cụ La Cháu là Trịnh Ấn (con của Trịnh Ân) trong vở tuồng “Trịnh Ân”. Từ sau đó, cụ trở thành "ngôi sao" trong dàn diễn viên tuồng phục vụ hoàng cung thời đó. Vua, hoàng hậu và các quan đều rất thích nghe cụ hát tuồng. Gần hai mươi năm làm nghệ sĩ tuồng hoàng cung, cụ đã theo vua đi hát khắp nơi, nhiều lần xuất ngoại sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Anh, Pháp, Nam Phi… Về sau, cụ cũng theo các đoàn nghệ thuật Huế sang châu Âu biểu diễn giao lưu văn hóa cấp nhà nước…
Hát tuồng từ năm tám tuổi, khi qua đời ở tuổi đúng một trăm, cụ gắn bó đến 92 tuổi nghề với ánh đèn sân khấu tuồng Huế. Trước nguy cơ mai một bộ môn hát tuồng, năm 1976, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, cụ bắt tay vào việc phục chế trang phục tuồng từ áo mão cân đai đến hia hài. Năm 94 tuổi, cụ vẽ ròng rã trong hai tháng cho xong bộ sưu tập mặt nạ tuồng. Bộ mặt nạ tuồng này đã được Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô Huế.
Nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng trong vai Châu Xương
Đến khi tuổi tác không còn cho phép diễn trên sân khấu, cụ lại tỉ mẩn truyền dạy các ngón nghề cho nhiều thế hệ học trò hát tuồng, nhiều người thành danh, như Bạch Hạc, Chánh Huế, Thanh Long, Diệu Hy, Thu Vân…; trong đó, đáng kể là những người con của cụ. Trong gia đình cố nghệ nhân La Cháu, đến nay đã có bảy đời theo nghiệp sân khấu. Có khi trên sân khấu cả ba anh em một nhà cùng diễn. Ví như trong vở “Quan Công cử binh”, La Hoàng Nguyên vào vai Quan Công, La Thanh Hùng vào vai Châu Xương, còn Phan Thu Thủy vào vai Quan Bình. Cả gia đình cùng đi diễn, rồi cả gia đình cùng đi thi. Người trong nghề còn nhớ năm 1993, năm cha con nghệ nhân La Cháu đi thi thì đoạt đến sáu giải: hai giải đặc biệt, một huy chương vàng, hai huy chương bạc, một giải khuyến khích.
Một trong những người con kế tục xứng đáng cơ nghiệp của cụ là cố nữ nghệ sĩ La Cẩm Vân. Như một điềm lạ, La Cẩm Vân sinh ra ngay trong Đại Nội Huế, lớn lên với không gian Hoàng Thành. Năm lên chín, chị đã theo học trong đoàn Ba Vũ, với đủ các môn hát tuồng, múa cung đình, ca Huế, Nhã nhạc cung đình. Ngoài được truyền nghề từ cha, chị còn được học thêm các ngón nghề từ các nghệ nhân tài danh khác, như Viên Bờ, Trần Xuân Dục, cô Tư Huệ, cô Tư Na… nên tiến bộ rất nhanh.
La Cẩm Vân cũng sớm nhận ra nghệ thuật tuồng có nguy cơ tan rã trước các biến động thời cuộc. Nhưng lao đao, lận đận cùng với sự mai một nghiệp hát tuồng bao nhiều năm không làm chị nản chí. Năm 1987, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế đứng trước nguy cơ tan rã, bạn diễn gạt nước mắt chia tay về quê bỏ nghề mưu sinh. Không cầm lòng được trước việc di sản cha ông bị vùi chôn, chị lập đề án xây dựng lại đoàn trình lên lãnh đạo Sở Văn hóa thông tin. Lãnh đạo sở ủng hộ chị. Năm 1987, chị làm Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống Huế. Năm 1993, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú duy nhất về múa cung đình.
Năm 2000, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế” được tỉnh tổ chức. Nhiều ý kiến đề xuất nên thành lập Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế để bảo tồn nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, trong đó có bộ môn tuồng. Nghệ sĩ La Cẩm Vân từ đó càng có niềm tin vào việc phục hồi nghệ thuật cung đình Huế. Chị dốc sức phục dựng 10 tiết mục lễ nhạc cung đình, 26 tiết mục ca nhạc lý Huế, 7 vở tuồng dài, 18 trích đoạn tuồng (tuồng đồ, tuồng sử, tuồng pho, tuồng ngự)… Chị mê say dạy nghề cho thế hệ trẻ, truyền đạt thêm cho học trò về lịch sử múa cung đình, vũ đạo múa, vũ đạo tuồng…bởi với chị: "Thế hệ sau có thiệt thòi hơn trước, bởi khi các em quyết định trở thành “nghệ sĩ cung đình”, cũng là lúc nghệ thuật cung đình dường như chỉ còn là di sản cần được bảo lưu…".
Liên tục các kỳ Festival Huế 2002, 2004, 2006… chương trình “Âm sắc cung đình” của chị được phục dựng, nhận được nhiều tán thưởng của công chúng. Và cũng từ đó, những bước chân đại sứ văn hóa của chị đã in dấu trên các bước đường lưu diễn ở Nhật, Pháp, Nga, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Tây Ban Nha…. Cuối đời, nghệ sĩ La Cẩm Vân vẫn nuôi khát vọng sưu tầm và hệ thống hóa lại các bài bản nhạc cung đình Huế và bỏ ra nhiều năm cho công việc này. Chị được truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016.
Có một câu chuyện về La Cẩm Vân cần kể lại. Trong một chuyến lưu diễn thời bao cấp chị phải mang theo đứa con thứ hai mới mấy tháng tuổi. Đứa con ốm yếu không chịu nổi sự dịch chuyển, mưa nắng liên miên nên lâm bệnh. Khi đoàn đưa cháu đến bệnh viện thì đã trễ. Những ngày đó, chị diễn vai Cúc Hoa, đêm nào cũng khóc đau đớn trên sân khấu. Cho đến một ngày chị không còn khóc được nữa, người sững sờ, có khi chở một bao gạo thời đó quý giá vô cùng, vậy mà đánh rơi trên đường lúc nào chẳng hay…
Những chiếc lá đã rụng, những câu chuyện cũ đã qua. Bây giờ chúng ta vẫn gặp trên sân khấu những người con của gia đình họ La, ví như nghệ sĩ La Thanh Hùng vừa được phong Nghệ sĩ Ưu tú. Từng đêm diễn trên sân khấu, giọng ca tuồng của La Hùng vẫn ngàn ngạt dòng máu cha ông trong huyết quản. Những lúc ấy, như thể đang nhìn thấy cụ La Cháu đang ngồi dưới kia, tay vuốt râu gật gù và chị La Cẩm Vân đang nở nụ cười rất đẹp bên cánh gà. Lúc đó, cũng chừng mười hai giờ khuya…
Bài, ảnh: VÕ NGUYÊN HẠ