Làm giàu từ nghề sản xuất hương, trầm

Khi tôi đến thăm nhà chị Xuân, những người thợ vẫn miệt mài với công việc đẩy trầm. Tôi được chị Xuân cho xem những cây trầm cảnh do một người thợ tài hoa của chị tạo nên. Tôi không sành điệu về những món chơi này, chỉ nghe chị Huỳnh Thị Khoa, Chủ tịch Hội LHPN phường - người khá hiểu biết về những cây trầm cảnh tấm tắc khen về hình khối và giá trị của sản phẩm. Theo tiết lộ của chị Xuân, cây trầm cảnh này có giá gần 100 triệu đồng. Trước đó, có những sản phẩm chị bán hàng trăm triệu đồng. Khách hàng của mặt hàng này hầu hết là những đại gia trong nước và khách nước ngoài. Để tạo sự phong phú các mặt hàng, thời gian gần đây, chị sản xuất thêm các mặt hàng lưu niệm như tượng Phật, tượng Quán Thế Âm, Đức Mẹ... với hình khối nhỏ, giá từ vài trăm ngàn đồng trở lên. Các mặt hàng này hiện đang được thị trường ưa chuộng.

Chị Xuân bên những cây trầm cảnh

Chị Xuân theo nghề làm hương, trầm từ cái thời mới lập gia đình. Trải qua bao thăng trầm, thậm chí có những lúc thất bát, muốn chuyển nghề, nhưng cuối cùng chị vẫn không thể dứt ra được. Khoảng 5 năm trở lại đây, công việc sản xuất của vợ chồng chị ổn định. Các mặt hàng trầm nụ, hương với nhãn hiệu “Hương Xuân” được thị trường tín nhiệm. Thường ngày, cơ sở sản xuất của chị thu hút trên dưới 10 lao động, với thu nhập 150 ngàn đồng/người/ngày. Vào dịp hè, hàng chục học sinh xin đến làm có tiền đi học thêm, chị Xuân cũng sẵn sàng tạo điều kiện và trả tiền hàng ngày cho các em. Theo tính toán của chị Xuân, chỉ riêng thu nhập từ nghề sản xuất hương, trầm, mỗi năm thu nhập của vợ chồng chị có khoảng 120 triệu đồng.

Thấy được lợi ích từ cây thanh trà, những năm gần đây, chị Xuân còn chuyển đổi vườn tạp sang trồng loại cây đặc sản của địa phương. Hơn 70 gốc thanh trà trong khu vườn rộng rãi trên 2.000m2 của nhà chị năm nay bắt đầu đem lại thu nhập cho gia đình trên 35 triệu đồng. Với sự đầu tư chăm sóc khá chu đáo, những vụ mùa sau, vườn thanh trà nhà chị hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn 

Tích cực tham gia hoạt động địa phương và nuôi dạy con tốt

Theo nhận xét của chị Huỳnh Thị Khoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Biều, chị Xuân không chỉ biết làm ăn giỏi, góp phần giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, tích cực tham gia hoạt động của Hội phụ nữ, của phường mà còn nổi tiếng với việc nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Trong năm 2011, hưởng ứng chủ trương mở rộng đường kiệt, vợ chồng chị Xuân chẳng so đo tính toán, sẵn sàng chặt nhiều, gốc thanh trà, chuối, hiến 55m2 đất để mở rộng đường kiệt. “Đất vườn có hẹp một chút, nhưng đổi lại trước mặt nhà mình có một con đường đẹp, chúng tôi mừng lắm”, chị Xuân cười như muốn nói rằng việc làm của vợ chồng chị và của những người trên tuyến đường này là rất đỗi bình thường.

Trong câu chuyện với chị Xuân, tôi nhận ra, điều hạnh phúc nhất đối với người phụ nữ 50 tuổi này là nuôi dạy con ngoan, hiếu thảo và các cháu đều đỗ vào đại học hệ chính quy với số điểm cao. Riêng cháu đầu là Phan Thị Hồng Vân, sinh năm 1986, sau khi thi vào Khoa Hóa, Trường đại học Sư phạm Huế đạt điểm cao được cử sang học tại Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật Volgograd, Liên bang Nga. 5 năm học trong điều kiện xa nhà nhưng Hồng Vân đều đạt thành tích cao, từng được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Nga tặng giấy khen vì có kết quả học tập xuất sắc. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân một chuyến sang thăm Nga cũng đã động viên Hồng Vân học tập và Hồng Vân đã học tiếp chương trình thạc sĩ. Giờ đây cô con gái đầu của vợ chồng chị Xuân đang công tác tại thành phố Vũng Tàu. Với những thành tích nổi bật trong nuôi dạy con cái, gia đình chị Xuân từng được UBND tỉnh tặng bằng khen “Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc của tỉnh. 

Đan Thanh