Ông Hoàng Văn Nhung lo lắng vì cá rớt giá

Thấy thị trường tiêu thụ mạnh, lại dễ nuôi, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đến hồ Khe Lời, xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) thuê mặt nước nuôi cá diêu hồng. Loài cá này thích hợp với điều kiện môi trường, nguồn nước ở các hồ thủy lợi, phát triển nhanh nên chỉ vài lồng nuôi thí điểm ban đầu, anh Bình mở rộng quy mô lên trên 50 lồng.

Mấy năm đầu cá bán được giá, thị trường tiêu thụ mạnh, hầu như vụ nào cũng lãi lớn. Anh Bình nhẩm tính: “Mỗi lồng nuôi bình quân đạt 1,5 tấn cá thương phẩm. Có thời điểm, giá cao đến 60-70 ngàn đồng/kg. Hơn 50 lồng cá mỗi vụ thu về trên 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc... còn lãi khoảng 300 triệu đồng”.

Trong khi nhiều người “chê” mặt nước dưới chân cầu chợ Dinh thì ông Hoàng Văn Nhung ở xã Phú Thượng (Phú Vang) lại chọn đầu tư nuôi cá diêu hồng. Sau vụ đầu thử nghiệm một vài lồng nuôi cho thấy, cá diêu hồng không chỉ thích hợp với các hồ thủy lợi, thủy điện mà cả nguồn nước trên các sông. Ông Nhung đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè với hơn 30 lồng để mở rộng, phát triển quy mô nuôi cá. Hai năm đầu, hộ ông Nhung thu về tiền tỷ từ nuôi cá lồng. Có nguồn thu từ nuôi cá diêu hồng, ông đầu tư kinh doanh thức ăn thủy sản phục vụ nhu cầu sản xuất cho người dân Phú Vang và các vùng lân cận.

Từ khi xuất hiện nhiều loài thủy sản mới, chất lượng cao, thịt thơm ngon như cá mú, chẽm, hồng mỹ, dìa, đối mục... thì cá diêu hồng bắt đầu “lép vế”. Hai năm trở lại đây, giá cá diêu hồng bắt đầu giảm dần, từ 50-60 ngàn đồng xuống còn 35 ngàn đồng/kg năm 2016, hiện nay chỉ còn 30 ngàn đồng.

Hộ ông Nhung thu tỉa cá để bán

Ông Nhung chia sẻ, năm vừa qua một phần do ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên giá cá diêu hồng giảm mạnh, chỉ còn 35 ngàn đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư nuôi cá diêu hồng rất lớn. Mỗi lồng cá từ khi nuôi đến khi thu hoạch, tính cả chi phí con giống, thức ăn...lên đến 60-70 triệu đồng. Mỗi lồng cho thu hoạch khoảng một tấn rưỡi, với giá 35 ngàn đồng/kg sẽ lỗ 10-15 triệu đồng. Riêng năm nay, giá chỉ còn 30 ngàn đồng thì lỗ nặng hơn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 lồng cá nuôi trên các sông, đầm phá, hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Riêng tại các hồ chứa chủ yếu nuôi cá diêu hồng với hàng trăm lồng.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, với khoảng 200 lồng cá diêu hồng, mỗi vụ thu hoạch trên 300 tấn cá thương phẩm.

Ông Bình phân tích, ngoài ảnh hưởng sự cố môi trường biển thì chất lượng cá diêu hồng không bằng nhiều loại cá “đặc sản” khác, như hồng mỹ, mú, chẽm, đối, dìa... Hơn nữa, số lồng nuôi cá diêu hồng hiện nay tương đối lớn, cộng với năng suất, sản lượng cao khiến “cung vượt cầu” đã ảnh hưởng đến giá cả thị trường... Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến giá cá diêu hồng trong thời gian gần đây giảm mạnh.

Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích, quy mô, thậm chí giảm số lồng, mật độ nuôi cá diêu hồng trong thời điểm này nhằm tránh thua lỗ do giá cả. Với những hộ đang nuôi cần thu tỉa để bán cho các nhà hàng, khách sạn và các siêu thị. Trong khi năng suất, sản lượng lớn, cơ quan chức năng và người nuôi cần có sự liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý phân phối để bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.

Bài, ảnh: Hoàng Triều