Rạp Đông Ba thường xuyên đóng cửa ban đêm

Khó khăn

Nếu không nhìn lên bảng hiệu “Rạp Đông Ba”, nhiều người dễ lầm tưởng nơi đây là địa điểm kinh doanh giống những cửa hàng khác ở đường Trần Hưng Đạo. Tầng 1 của rạp được sử dụng làm phòng tranh; ban ngày, hầu như vắng bóng nhân viên bán vé xem phim.

Mất khá nhiều ngày, tôi mới mua được vé do rạp không chiếu phim thường xuyên và cũng chẳng bất ngờ khi lượng khách thưa thớt. Khán giả đến rạp ít, người xem cũng không mặn mà với các bộ phim đang chiếu. Một người giải thích: “Rủ bạn đi xem cho vui chứ những phim này đã chiếu trên mạng”.

Chiếu lại những bộ phim đã có trên thị trường là điều “kiêng kị” với các rạp chiếu phim do khó ăn khách, song đây là thực tế ở rạp Đông Ba. Lý do là rạp không có máy chiếu phim kỹ thuật số nên đành chiếu phim HD. Với cách làm này, thời điểm chiếu các bộ phim đã được đăng tải, phát trên internet và các phương tiện khác. Đây là nguyên nhân khiến cho rạp chiếu phim vắng khách. Ông Hồ Xuân Đài, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế cho biết, trung bình mỗi tuần, rạp chiếu khoảng 1 phim. Mỗi lượt chiếu thu hút 30 - 50 lượt khán giả, những tối phim hay có thể thu hút khoảng 100 người nhưng cũng có tối chỉ có 10 lượt khách. Doanh thu mỗi năm ở mức giới hạn khoảng 300 triệu đồng.

Theo ông Đài, năm 2014, trung tâm đề xuất xin cấp máy chiếu phim kỹ thuật số và được UBND tỉnh đồng ý, nhưng đến thời điểm hiện tại, do thiếu kinh phí nên chưa thể đầu tư. “Bây giờ người ta không sản xuất phim nhựa nữa mà sản xuất phim kỹ thuật số. Loại phim này thì rạp không có máy để chiếu, trong khi khán giả luôn đòi hỏi cái mới. Đây là khó khăn lớn”, ông Đài nói.

Thực trạng vắng khách chỉ là câu chuyện của rạp chiếu phim Đông Ba, bởi theo nhận định về khả năng kinh doanh dịch vụ chiếu phim tại Huế, chủ tịch một tập đoàn đầu tư về rạp chiếu phim tại Việt Nam chia sẻ, nhu cầu xem phim tại rạp của khán giả lớn, nhất là đối tượng giới trẻ. Tại Huế, nhiều cuộc thăm dò cho thấy, người có nhu cầu xem phim tại rạp không hề nhỏ, nhất là các bộ phim bom tấn. Theo người này, chất lượng dịch vụ quyết định sự sống còn của rạp chiếu phim.

“Ở TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi đêm cụm rạp chiếu phim của chúng tôi thu hút 3.000 lượt khách. Khi đầu tư tại TP. Đà Lạt, lượng khách cũng rất đông. Để có được điều này, cách chọn phim phải phù hợp thị hiếu người xem, hệ thống trang thiết bị máy chiếu phải đáp ứng được sự đòi hỏi thời kỳ hiện đại, thậm chí dịch vụ đi kèm cũng phải được đầu tư thực sự chất lượng”, vị chủ tịch một tập đoàn này nói.

Chỉ nhìn rạp chiếu phim Lotter Cinema ở siêu thị BigC (không do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế quản lý) đã thấy khoảng “chênh” lượng khách do sự khác biệt chất lượng dịch vụ, dù giá vé nơi đây gấp 2 – 3 lần so với rạp Đông Ba. Bà Cái Thị Vân Anh, Quản lý rạp chiếu phim Lotter Cinema cho biết, trung bình mỗi ngày rạp chiếu 5 - 6 phim, giá vé từ 50.000 - 85.000 đồng (tùy ngày và tùy phim), thu hút cả ngàn lượt người đến xem (mỗi ngày). Những ngày lễ, cuối tuần là thời điểm thu hút nhiều khán giả nhất.

Theo ông Đài, ngoài rạp Đông Ba, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế còn quản lý rạp Gia Hội, Hoàn Mỹ (đường Chi Lăng) và rạp FaFilm (đường Hai Bà Trưng). Năm 1999, do thiên tai nên rạp Hoàn Mỹ hỏng, hiện dùng làm kho chứa đồ. Rạp Gia Hội trước từng được liên doanh với một doanh nghiệp nhưng sau đó phía doanh nghiệp rút vốn nên hiện tại được sử dụng làm dịch vụ đám cưới. Trong khi đó, do thiếu máy móc nên rạp FaFilm nhiều năm qua liên kết với tư nhân kết hợp bán cà phê và chiếu phim quy mô nhỏ.

Tìm hướng đi

Đặt câu hỏi về tương lai của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cũng như rạp chiếu phim Đông Ba, ông Đài cho rằng, ngoài hoạt động chiếu phim thu phí thì trung tâm còn làm nhiệm vụ chính trị, tổ chức các tuần phim, liên hoan phim các nước, chiếu phim lưu động phục vụ Nhân dân vùng sâu, vùng xa. Đơn vị có 3 đội chiếu phim lưu động, trung bình mỗi năm phục vụ khoảng 500 buổi chiếu phim lưu động.

Cũng theo ông Đài, khả năng rạp chiếu phim Đông Ba được đầu tư máy chiếu thì sẽ thu hút khán giả nhờ giá vé “hợp túi tiền” (khoảng 30.000 đồng/vé). Trái lại, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhìn nhận, để rạp chiếu phim hoạt động hiệu quả thì cần sự đầu tư nhiều, phải thay đổi, làm mới nhiều yếu tố: không gian, nhân viên phục vụ… và có nhiều chương trình ưu đãi. Tại nhiều địa phương, trong cụm rạp chiếu phim còn đầu tư thêm các dịch vụ khác, như boling, gym, nơi vui chơi trẻ em,…

Hiện nay, tỉnh có chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này và một số doanh nghiệp đang trong quá trình đặt vấn đề, bàn bạc. Đây là hướng đi mà nhiều địa phương đang áp dụng. Thừa Thiên Huế lâu nay còn thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, việc các rạp chiếu phim chất lượng ra đời có thể giải quyết tốt nhu cầu của người dân và du khách khi đến Huế, đồng thời tạo ra sự lựa chọn với giới trẻ trước quyết định địa điểm chơi về đêm.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, trong điều kiện nguồn kinh phí nhà nước có hạn thì xã hội hóa lĩnh vực rạp chiếu phim là hợp lý, các doanh nghiệp với kinh nghiệm và nhiều chiến lược trong kinh doanh sẽ có thể tạo ra được những sản phẩm giải trí mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi người. Đồng thời, sắp tới phía tỉnh sẽ đầu tư máy chiếu phim tại rạp Đông Ba để đáp ứng nhu cầu cải tiến phục vụ khán giả và làm tốt nhiệm vụ chính trị. Tin rằng, những giải pháp này sẽ giải quyết được hướng đi cho rạp chiếu phim tại Huế.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc