Du khách tham quan di tích Hải Vân Quan. Ảnh: PhanThành

Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Công trình được xây từ đời Trần ở độ cao 490m so với mực nước biển và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - 1826). Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam.

Thời Pháp thuộc, phía hai cổng Hải Vân Quan (hướng về Thừa Thiên Huế) và Thiên hạ đệ nhất hùng quan (hướng TP. Đà Nẵng) đều bị Pháp xây chồng lên trên bằng các kiến trúc quân sự nhằm mục đích tăng cường phòng thủ. Hệ thống tường đá xếp nguyên thủy bị sụp đổ, sạt lở phần lớn. Gần đó, Pháp cũng cho xây thêm lô cốt mới. Hiện, cây cỏ xâm thực nghiêm trọng hầu hết các công trình, Hải Vân Quan ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc bảo quản công trình từng được ví là “Đệ nhất hùng quan” này bị bỏ mặc, không được trùng tu kịp thời. Lý do là việc phân ranh giới địa lý Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng chưa được thống nhất.  

Từ năm 1997, Trung tâm BTDTCĐ Huế tiến hành xây dựng hồ sơ di tích Hải Vân Quan và sau đó kiến nghị tỉnh đề xuất với Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích này. Lúc bấy giờ, do chưa xác định được rõ ràng ranh giới giữa hai địa phương, cũng như quyền quản lý di tích này nên hồ sơ chưa được xem xét. Từ năm 2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Trung tâm BDTCĐ Huế tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan trong tỉnh xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ di tích Hải Vân Quan và phối hợp với cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng cùng rà soát, thống nhất phương án về hồ sơ và phương án khoanh vùng bảo vệ di tích.

TS. Phan Thanh Hải cho biết: “Theo thỏa thuận phối hợp giữa 2 địa phương, sau khi di tích được công nhận, đại diện phía Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ tiến hành trùng tu, bảo tồn bước đầu di tích Hải Vân Quan. Chúng tôi sẽ sớm khảo sát chi tiết kết hợp tiến hành thám sát khảo cổ học để xác định rõ một số dấu vết nguyên gốc của công trình, từ đó đưa ra phương án trùng tu, bảo tồn thích hợp. Hai địa phương sẽ bàn bạc cụ thể để có phương án khai thác và phát huy giá trị di sản phù hợp. Điều quan trọng nhất là Hải Vân Quan được phục hồi và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả, bền vững để trở thành một điểm nhấn kết nối giữa Thừa Thiên Huế - TP. Đà Nẵng và trên “Con đường di sản miền Trung. Tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia đặc biệt”.

ĐỒNG VĂN