Em Nguyễn Hữu Mẫn làm mộc mỹ nghệ

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn dè dặt khi tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc do họ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, giao tiếp, chưa tiếp cận được trang thiết bị ở nơi làm hay nhiều nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật phù hợp với người khuyết tật. Vì những lý do trên, mặc dù đã được đào tạo nghề nhiều người khuyết tật vẫn không tìm được việc làm. Tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật, sau khi đào tạo nghề xong, học viên có thể ở lại làm việc tại các xưởng sản xuất của trung tâm, như: thêu, may, mộc mỹ nghệ. Thu nhập bình quân khoảng từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng, vào mùa cao điểm khi có lượng đơn đặt hàng nhiều có thể lên 3 triệu đồng.

Nguyễn Hữu Mẫn (quê ở xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) là một cậu bé khỏe mạnh, không may vào năm học lớp 9 bị tai nạn dẫn đến gãy cột sống, teo hai chân. Cuốn vở học trò phải gấp lại ở năm lớp 9. Sau những năm tháng mặc cảm, tự ti, Mẫn đã vượt qua tất cả, tìm đến Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh đăng ký học nghề mộc mỹ nghệ. Hoàn thành khóa học 6 tháng, em ở lại làm cho xưởng mộc của trung tâm. Vừa trò chuyện vừa khéo léo đẽo gọt “con nghê” ghế salon, Mẫn chia sẻ: “Ban đầu khi mới làm quen với những khúc gỗ, em thấy công việc đẽo gọt gỗ khá là khó khăn. Nhưng em nghĩ, ba đã ngược xuôi tìm hiểu, chọn cho mình theo học nghề này nên không thể phụ lại kỳ vọng của ba được, vậy là em kiên trì học hỏi hoàn thành khóa học”.

Hoàng Thị Thu sinh ra trong một gia đình làm nông, đông anh chị em ở huyện Nam Đông. Không may mắn khi sinh ra có khuyết tật hình thể, sức khỏe yếu nên hạn chế trong vận động, nhưng tâm niệm sống “tàn mà không phế”, Thu chọn học nghề thêu ren truyền thống ở trung tâm. Em chia sẻ: “Có một cái nghề khiến em vui và tự hào về bản thân mình, em nhận ra mình cũng có thế mạnh riêng, không còn tự ti nhiều nữa”. Nhìn những bông hoa em thêu trên vải áo kimono, tôi không khỏi cảm phục đường kim mũi chỉ sắc nét, điêu luyện của Thu, thấy em như một đóa hoa lặng lẽ tỏa hương cho đời.

Mắc chứng câm điếc bẩm sinh, Trần Hoàn Thiện có dáng vẻ trầm lặng. Không hiểu ngôn ngữ kí hiệu, tôi thông qua thầy giáo dạy nghề để trò chuyện với Thiện. Em sinh ra ở huyện miền cao A Lưới, gia cảnh khó khăn. Vì muốn tự mưu sinh, không là gánh nặng của gia đình, em rời núi rừng về thành phố đăng ký học lớp may công nghiệp. Học xong, em ở lại xưởng may của trung tâm làm đến nay đã được hơn 4 năm. Thiện may khéo và nhanh, những tháng cao điểm em kiếm được hơn 3 triệu đồng. Số tiền làm ra phần nhiều em dành dụm đem về cho mẹ.

Ông Đinh Quỳnh Lâm, phụ trách đào tạo Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm, chia sẻ: “Tạo được việc làm cho người khuyết tật là một quá trình khó khăn nhưng cũng là một hành trình đáng tự hào, giúp người khuyết tật “thạo” được một nghề mở ra hy vọng về cuộc sống ổn định và là cách giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng”.

Mô hình tạo việc làm tại trung tâm là mô hình thiết thực, nhằm giúp đỡ học viên khuyết tật sau khi học nghề chưa tìm kiếm được việc làm ngoài xã hội, không tìm kiếm được việc do dạng tật đặc biệt nặng, đồng thời có cơ hội nâng cao tay nghề trong thời gian tìm kiếm, chọn lựa việc làm. Mô hình này giúp người khuyết tật tự tin hơn sau khi học nghề là có được việc làm, cho dù thu nhập còn thấp. Để thường xuyên có đơn đặt hàng giúp người khuyết tật có việc làm thường xuyên, ổn định, trung tâm chủ động tìm kiếm, tranh thủ liên hệ với các doanh nghiệp. Mô hình tạo việc làm còn đóng góp một phần để giải quyết các kinh phí hoạt động hỗ trợ về đời sống, sinh hoạt của học viên đang còn học nghề tại trung tâm.

Phước Ly