164 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người tử vong trên phạm vi toàn quốc tính đến tháng 12 này là điều đã được ông Nguyễn Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho hay trong cuộc gặp gỡ báo chí vừa được tổ chức (nguồn SGGP). Tuy nhiên, điều đáng quan ngại ở đây là tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng tăng về số vụ, số người mắc và số trường hợp tử vong so với năm 2011. Trong đó số vụ ngộ độc tăng 23 vụ, số người mắc tăng gần 1.000 người và số tử vong tăng 7 trường hợp. Nguyên nhân ngộ độc được xác định do vi sinh gây ra chiếm tới hơn 45% số vụ ngộ độc, tiếp đó là nguyên nhân do độc tố tự nhiên và hóa chất...
Tại Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, do làm tốt công tác ngăn chặn và xử lý kịp thời nên số ca bị ngộ độc thực phẩm là không đáng kể và trên địa bàn cũng mới chỉ ghi nhận có 01 vụ ngộ độc với 04 người mắc mà nguyên nhân chủ yếu là do tác hại của vi sinh vật; không có trường hợp tử vong. Đây cũng là một thành công của Thừa Thiên Huế khi năm 2012, Huế có rất nhiều hội nghị, lễ hội và đã đón 2.500.000 lượt khách du lịch. PGS-TS Nguyễn Dung cho hay, số cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định trên địa bàn đã trên 83%.
Trao đổi với chúng tôi về những tồn tại xung quanh vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Dung thừa nhận, các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ ở Thừa Thiên Huế vẫn chiếm số lượng lớn trong khi lực lượng thanh tra lại mỏng, nguồn kinh phí hạn hẹp đã làm tăng khó khăn trong công tác quản lý; ý thức trách nhiệm của một bộ phận các nhà sản xuất cũng như kinh doanh thực phẩm chưa cao; chính quyền xã, phường có quan tâm nhưng chưa thường xuyên liên tục và chưa đúng mức và điều cơ bản là, các biện pháp xử lý vi phạm còn nhẹ, không nghiêm khắc, thiếu kiên quyết và không có tính răn đe. Chia sẻ mối quan ngại của chúng tôi về thức ăn đường phố, PGS-TS Nguyễn Dung cho rằng, đây là hoạt động cần có sự giám sát kỹ và nhiều hơn nữa.
Bên cạnh Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38 (ngày25/4/2012) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, ngày 5/12/2012 vừa qua, Bộ Y tế cũng vừa có Thông tư số 30/2012/TT – BYT Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố gồm 4 chương với các điều khoản cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Dù mới chỉ là việc cụ thể hoá và tăng cường thêm điều kiện cho quản lý, giám sát... ở hai lĩnh vực nhưng có thể nhận thấy, Thông tư này đã đặt vấn đề an toàn thực phẩm vào những vấn đề cần được lưu tâm và triển khai ngay trên diện rộng; qua đó góp phần vào việc lập lại ổn định và an toàn thực phẩm trong đời sống.