Tài nguyên du lịch Huế được đánh giá là "vô đối”

Đầu tuần này, nhiều tờ báo đưa tin về cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về việc tiến đến mở Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế tại TP. Hà Tĩnh  (tỉnh Hà Tĩnh). Cuộc làm việc có mặt cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành hữu quan cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo địa phương đối với dự án này.

Âm hưởng chung là rất tích cực. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh hứa sẽ tạo điều kiện tối đa để dự án có trị giá đến 500 tỷ đồng này sớm triển khai đi vào hoạt động. Và, không chỉ có lãnh đạo mà kể cả nhiều người dân của xứ sở Lam Hồng cùng nhiều địa phương xung quanh cũng cảm thấy phấn khích trước thông tin này. Tất nhiên, chẳng ai mong muốn bệnh tật để mà được... nằm viện. Nhưng quy luật cuộc đời là khó tránh. Những lúc "lâm sự" như thế, có một bệnh viện tốt tại/gần nơi mình ở sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Khỏi phải vô Huế xa xôi, cũng không nhất thiết phải ra Thủ đô cho cách trở và đắt đỏ.

Riêng với nhiều người dân núi Ngự sông Hương, thông tin xây dựng Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế tại Hà Tĩnh cũng làm họ phấn khích không kém. Phấn khích không phải vì họ trực tiếp hưởng lợi từ dự án mà bởi họ cảm thấy tự hào với bệnh viện của quê hương họ. Từ một "nhà thương Huế" khiêm tốn lúc ban đầu, nay đã vươn thành một bệnh viện hạng đặc biệt với một đội ngũ thầy thuốc hùng hậu, đủ sức thực hiện thường quy và có hiệu quả các kỹ thuật cao, phức tạp; đồng thời còn đảm đương tốt trách nhiệm đỡ đầu, chuyển giao công nghệ cho các tỉnh thành trong khu vực.... Việc triển khai xây dựng Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế tại Hà Tĩnh và được dư luận hân hoan chào đón một lần nữa khẳng định uy tín, sức lan tỏa của thương hiệu Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Và hẳn cũng như Hà Tĩnh, người Huế cũng mong dự án sớm trở thành hiện thực và đi vào hoạt động hiệu quả.

Cá nhân tôi được nắm thông tin triển khai xây dựng Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế tại Hà Tĩnh trước đó chừng tuần lễ. Thông tin do PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc BVTW Huế "tiết lộ" tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7. Và mặc dù rất hào hứng, nhưng không muốn bạn đọc hẫng hụt trước một thông tin đáng quan tâm như thế, tôi đã chưa vội đưa tin mà cố gắng chờ xem. Bởi biết đâu sẽ có thay đổi vào giờ chót? Tuy nhiên, điều thú vị hơn mà chúng tôi muốn bạn đọc biết thêm ở đây là quyết tâm chính trị của tập thể Đảng ủy-Ban Giám đốc BVTW Huế. PGS.TS- Bí thư Đảng ủy BVTW Huế Nguyễn Duy Thăng khi tiết lộ thông tin về Dự án Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế tại Hà Tĩnh đã bày tỏ sự sốt ruột về nguy cơ "tụt hậu" của Huế trên một số lĩnh vực, ông khẳng định- đồng thời cũng như một lời hứa trước Tỉnh ủy- rằng, BVTW Huế sẽ nỗ lực tối đa để giữ vững và ngày càng làm lớn mạnh thương hiệu trung tâm y tế của Huế. "Cái gì tụt hậu tôi chưa biết, riêng y tế thì Huế không thể tụt hậu được. Huế phải là trung tâm y tế của khu vực và của quốc gia."- ông Thăng khẳng khái! Cũng trong dòng chảy của mong muốn đó, trước khi làm việc với Hà Tĩnh không lâu, BVTW Huế đã tổ chức một đoàn công tác sang làm việc với nhiều địa phương của nước bạn Lào để vừa hợp tác, vừa giúp đỡ, vừa quảng bá thương hiệu BVTW Huế... Một việc làm vừa tạo sức lan tỏa, vừa tạo sức hút, tiền đề để phát triển loại hình du lịch-chữa bệnh cho Huế.

Huế có một thời kỳ gần 1,5 thế kỷ là kinh đô, là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa của đất nước. Nay dù đã thành cố đô, Huế không còn là trung tâm chính trị của quốc gia; hạ tầng và một số điều kiện khác có thể cũng khiến cho ngôi thứ "trung tâm kinh tế" của Huế phải chấp nhận thoái lui so với nhiều tỉnh thành khác. "Hoàn cảnh lịch sử tất nhiên phải vậy. Tuy nhiên, có thể thua cái này cái khác, nhưng về du lịch, về văn hóa, y tế, giáo dục..., Huế không thể thua kém thiên hạ" - Trong một lần trò chuyện, một nhà nghiên cứu tên tuổi của Huế đã tỏ ra sốt ruột như vậy.

Nghiệm kỹ, đúng là với lĩnh vực du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, đất Huế có bề dày lịch sử đáng kể; có tài nguyên- thậm chí có loại tài nguyên còn được đánh giá là "vô đối" như tài nguyên du lịch chẳng hạn; có nguồn lực con người....Vấn đề là còn lại là tâm huyết, là quyết tâm chính trị. Đặc biệt là quyết tâm chính trị của người đứng đầu, của "bộ tư lệnh" các ngành, các lĩnh vực. Chỉ cần người đứng đầu cùng "bộ tư lệnh" ở  mỗi lĩnh vực hạ quyết tâm, đồng thời xông xáo, biến quyết tâm đó thành hành động. Thừa Thiên Huế sẽ chuyển động và vị thế của Thừa Thiên Huế chắc chắn cũng sẽ khác đi rất nhiều...

Bài, ảnh: Diên Thống